Trang chủPhim12 Angry Men : một ý niệm về sự công bằng

12 Angry Men : một ý niệm về sự công bằng

Có vẻ như danh sách phim yêu thích nhất của mình từ nay sẽ phải kết nạp thêm một cái tên nữa: 12 Angry Men. Tác phẩm xuất sắc vượt ngoài dự kiến của mình và hoàn toàn xứng đáng với những lời ca ngợi mà khán giả đã dành cho nó.

Về cơ bản thì đây là một bộ phim dành cho tất cả, không kén người xem, lại có thời lượng ngắn nên không có lý do gì để bạn bỏ qua nó cả.

Tác phẩm được 3 đề cử Oscar cho Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Kịch bản gốc xuất sắc nhất, nhưng không thắng một hạng mục nào cả. Có lẽ chúng ta nên dừng việc quan tâm đến mấy cái tượng.

12 Người Đàn Ông Giận Dữ mở đầu bằng khung cảnh tại một phiên tòa chuẩn bị bước vào quãng nghỉ, với kết quả gần như đã rõ mười mươi: giết người cấp độ 1. Luật sư chẳng buồn biện hộ và dường như cả thẩm phán cũng tin vào kết luận này.

Bồi thẩm đoàn gồm 12 người bắt đầu quá trình luận tội tại một căn phòng khác, chỉ còn lại trong phòng xét xử một chàng trai trẻ được cho là hung thủ, trên gương mặt không giấu nổi sự tuyệt vọng.

Bị cáo bị xét xử vì tội đâm chết người cha, nếu tất cả bồi thẩm tán thành “có tội”, một bản án tử sẽ được đưa ra. Và điều buồn nhất là chỉ dựa trên thái độ, đã có tới 11 bồi thẩm tin vào điều đó, trừ 1 người.

Người đàn ông này quyết tâm bám lấy những lý lẽ của mình và thuyết phục 11 người còn lại trong phòng. Liệu phép màu có thể xảy ra?

Nếu bạn chưa xem thì nên thưởng thức tác phẩm kinh điển này ngay và luôn. Còn nếu đã xem thì hãy đọc nốt phần bên dưới với nhiều thứ hay ho đang chờ đợi.

Nội dung phim

Nhân vật

Cũng lâu lắm rồi mình mới lại phải viết thêm một mục về nhân vật như thế này. 12 bồi thẩm trong phim xưng hô với nhau là “gentleman”, thậm chí còn chẳng được đánh số nhưng chúng ta vẫn có thể xác định họ thông qua vị trí ngồi, tính từ ông chủ tịch bồi thẩm ở vị trí số 1 rồi đi một vòng tròn bắt đầu từ phía tay trái của ông.

Bồi thẩm 1: chủ tịch bồi thẩm đoàn, người gần như chỉ được biết đến nhờ cái ghế của mình. Một trợ lý huấn luyện viên bóng bầu dục.

Bồi thẩm 2: nhân viên ngân hàng, bản thân ngoại hình và giọng nói đã phản ánh nhiều điều. Là kiểu nhân vật nhút nhát rụt rè và dễ bị dẫn dắt bởi người khác nhưng dần dần trở nên mạnh dạn hơn. Kiểu nhân vật cần phải xem Office Space.

Bồi thẩm 3: doanh nhân thành đạt, phản diện chính của phim với một cái đầu nóng hừng hực. Quá khứ không êm đềm giữa ông và cha mình khiến ông đối xử tương tự với cậu con trai và hiện giờ là căm ghét bị cáo. Phải vượt qua rất nhiều cửa ai mới hạ gục được trùm cuối này.

Nhưng dù sao thì định kiến trong cả một đời người vốn không phải thứ dễ vượt qua nên đối với mình ông này không đáng trách lắm. Nếu đặt bản thân vào vị trí của bồi 3 thì mình cững không dám chắc là có nổi khùng lên như vậy hay không.

Bồi thẩm 4: nhà môi giới chứng khoán thông minh và có chủ kiến riêng, lập luận dựa trên căn cứ rõ ràng. Người duy nhất nằm trong phe “có tội” thực sự bảo vệ được quan điểm của mình.

Bồi thẩm 5: một người có hoàn cảnh tương đồng với bị cáo, điều này khiến ban đầu anh khá rụt rè khi được hỏi quan điểm vụ án. Về sau thay đổi lá phiếu cũng bởi sự đồng cảm với bị cáo.

Bồi thẩm 6: một công nhân, không nổi bật trong căn phòng nhưng cũng có quan điểm riêng. Biết tôn trọng người xung quanh.

Bồi thẩm 7: nổi bật nhất với cái mũ trên đầu cùng nhiều hành động chứng tỏ đầu chỉ để đội mũ. Có tình yêu lớn lao với thể thao nhưng lại đặt sai chỗ. Bị bồi 11 chửi cho rỗ cả mặt vì sự vô trách nhiệm. Nói một cách tư thù thì đây mới thực sự là nhân vật đáng ghét nhất trong phòng, không phải ông số 3.

Bồi thẩm 8: người đàn ông đạo mạo trong bộ vest trắng, đánh thức 11 cái đầu uể oải bằng lá phiếu “vô tội” đầu tiên. Một kiến trúc sư, cuối phim ông tiết lộ tên mình là Davis. Một người hùng thực sự.

Bồi thẩm 9: ông cụ có lẽ là già nhất phòng, người đưa ra lá phiếu vô tội ngay sau bồi 8 vì cảm thấy thuyết phục. Một người tinh ý và trải đời. Thực tế thì ngay cả màn biểu quyết ngay đầu phim ông cũng có một thoáng ngập ngừng, dường như nếu ông ngồi sau bồi 8 thì có lẽ đã có tới hai người bỏ phiếu “vô tội”. Ông gặp lại Davis sau khi kết thúc phiên tòa và nói tên mình là McCardle.

Bồi thẩm 10: chủ tiệm sửa xe, một ông già cáu kỉnh không kém gì bồi 3 nhưng là một phiên bản phi logic hơn, bởi ít ra thì bồi 3 cũng có nỗi niềm riêng, còn ông này thì đơn thuần là sự khó tính của tuổi già.

Bồi thẩm 11: thợ làm đồng hồ, một trong những người biết đặt ra nghi vấn đầu tiên. Vượt lên trên tất cả với màn đấu khẩu cùng bồi 7, bằng câu nói có trọng lượng: “Nếu muốn biểu quyết vô tội, hãy làm thế vì anh bị thuyết phục rằng nó vô tội, không phải vì anh cảm thấy nhàm chán.”

Bồi thẩm 12: người làm quảng cáo, thích tán phét, chơi cờ caro và đến tận cuối phim vẫn không biết mình ngồi đây làm gì. Điểm khác biệt duy nhất giữa ông này và ông số 7 là ông này bớt ồn ào hơn. Dù sao thì nhân vật này có vẻ là tấm chiếu mới duy nhất trong căn phòng.

Những con người này sở hữu những nét tính cách gần như không trùng lặp và điều đó làm nên màu sắc tương phản đầy thú vị, dù phim chỉ toàn đen và trắng. Có người sáng suốt minh mẫn, có người biết lắng nghe, có người hồ hởi dễ chịu, có người cay nghiệt độc đoán, có người gió chiều nào theo chiều ấy, lại cũng có người góp mặt chỉ cho đủ sĩ số.

Để ý thêm một chút, bạn sẽ thấy nghề nghiệp và xuất thân của từng người ăn khớp với cách hành xử của họ. Nhân vật chính của phim – bồi 8, một kiến trúc sư, máy móc với các tình tiết nhưng cũng đầy tinh tế khi xem xét cả khía cạnh nhân thân của bị cáo. Trong khi đó, ở bên kia chiến tuyến – bồi 4, nhà môi giới chứng khoán máy móc, tỉ mỉ nhưng lại lạnh lùng và đặt lý trí lên trên tất cả.

Cũng tương tự như vậy với các nhân vật khác, thanh niên làm quảng cáo thì nói nhiều và khá lươn lẹo, người công nhân không uyên bác như mấy ông kia nhưng biết chừng mực, hay ông thợ làm đồng hồ nhã nhặn, lịch sự và ôn hòa. Ông cụ số 9 không đề cập tới nghề nghiệp nhưng cũng đã ngầm khẳng định về xuất thân khi nhận xét về nhân chứng rằng “tôi là người biết rõ ông ta hơn bất cứ ai ở đây”. Và cũng không thể không nhắc đến bồi 3, người đàn ông giận dữ, máu lửa và bảo vệ quan điểm đến cùng ngay cả khi nó sai bét. Những phẩm chất cần có của một ông chủ.

12 Angry Men quy tụ một dàn cast toàn cái tên gạo cội, diễn xuất nhập tâm nhưng vì thuộc thế hệ cũ nên mình chẳng biết ai trong số này cả. Cái tên nổi bật nhất mà bạn nên tìm kiếm cũng là nhân vật chính của phim – bồi thẩm 8, do tài tử từng thắng giải Oscar Henry Fonda thủ vai.

Diễn biến

12 Angry Men có nhiều điểm ưu việt khiến tác phẩm này đứng riêng một góc trời so với phần còn lại của điện ảnh. Mình thực sự thắc mắc người làm ra bộ phim này đã “ủ mưu” cho nó trong vòng bao lâu mà lại có thể trọn vẹn đến vậy.

Phim đen trắng, cả đống nhân vật nhưng không ai xưng tên, lại lắm thoại, giam hãm khán giả trong bầu không khí ngột ngạt của một căn phòng,… Tất cả những yếu tố kể trên nếu không được sắp đặt một cách khéo léo thì chắc chắn sẽ tạo nên một thảm họa, vậy thì vì đâu mà 12 Angry Men lại xuất sắc đến thế?

Điểm quan trọng và dễ nhận ra nhất chính là một cốt truyện tối giản. Bản thân câu nói “cốt truyện tối giản” đã bao hàm nhiều mảnh ghép nhỏ trong đó: các tình tiết chỉ nhắm tới một cái đích cuối cùng, nằm trong phạm vi một bối cảnh duy nhất, với số lượng nhân vật cố định và thời lượng phim cực ngắn.

Vì quá cô đọng, tập trung xoáy sâu vào ý niệm về sự công bằng nên dù chỉ dài vỏn vẹn 96 phút (một con số đẹp) nhưng cốt truyện lại tạo ra sức nặng ngang ngửa một tòa nhà. Các tình tiết, dù có gợi mở thêm những điều có giá trị khác, cũng đều nhằm củng cố cho luận điểm chính kia.

Ví dụ như đoạn bồi thẩm 9 thay đổi ý định và đứng về phía bồi thẩm 8. Khi được yêu cầu nhận xét về người đàn ông là nhân chứng sống dưới nhà nạn nhân, ông đã nói “Có lẽ ông ta chỉ muốn gây sự chú ý. Đó là một người kín đáo, sợ sệt, tầm thường, chưa từng có thứ gì trong suốt cuộc đời mình. Chẳng ai biết, cũng chẳng ai nhắc đến ông ta. Chẳng ai xin ý kiến của ông ta trong suốt 75 năm. Các vị, đó là một điều rất buồn, khi chẳng là gì cả. Một người như thế cần được nhắc đến, cần được lắng nghe.”. Tất cả những câu thoại này đều đúng. Vừa dẫn dắt 12 người đàn ông tiến gần hơn tới đáp án, vừa cho thấy một sự thật thú vị khác về cuộc sống.

Đơn giản bao giờ cũng mang lại sự tinh tế, đó là lý do vì sao có một vài siêu phẩm vẽ vời điểm xuyết chấm phá đủ thứ nhưng xem xong thì như chưa từng xem.

Về mặt cốt truyện, vụ án của 12 Angry Men xuất hiện nhiều manh mối chắc chắn bị cáo đúng là hung thủ, nhưng bản chất lại luôn tồn tại một “lối thoát” và thật tình cờ rằng chàng trai trẻ đã thực sự lách qua đó, xuyên suốt câu chuyện. Xác suất xảy ra quá nhiều sự trùng hợp như thế này là cực kỳ hi hữu, nhưng không phải là không thể.

Nhờ một kịch bản công phu mà mọi thứ dần lật mở theo một cách tự nhiên, vừa từ những suy luận, vừa do chính một số thành viên trong phòng vô tình đưa ra.

Phim nhiều thoại, nhưng câu nào ăn tiền câu đấy và vẫn luôn là tập trung để gỡ cái nút thắt to nhất. Kể cả mấy phân đoạn mang tính giảm căng thẳng và các bồi thẩm tán phét với nhau thì thoại cũng rất hài hước.

Phim không sử dụng tên nhân vật, ngoài việc do không quá cần thiết ra thì còn nhằm nói lên một sự thật, đó là những con người trong căn phòng đó có thể là bất cứ ai, xuất hiện ở bất kỳ đâu. Bồi thẩm 9, người sẵn sàng đứng lên chống lại tất cả có thể đang hiện diện trong cuộc sống của bạn, hay bồi thẩm số 3, kẻ vùi dập người vô tội bằng định kiến, cũng như vậy.

Bên cạnh đó thì việc không xưng tên cũng buộc bạn phải tập trung vào gương mặt của từng người để phân biệt, nhờ vậy mà cũng để ý đến diễn xuất nhiều hơn.

Phần lớn phim chỉ diễn ra trong một bối cảnh, điều này thì rõ ràng quá rồi. Vừa là do bồi thẩm đoàn luôn thảo luận tại một căn phòng, vừa là để bạn hòa nhịp con tim cùng 12 người đàn ông giận dữ. Cảm giác chân thực như thể mình cũng đang ngồi ở đó vậy.

Ngoài ra thì cũng chẳng còn cách nào để lấy các cảnh ở thế giới bên ngoài cả. Đơn giản là bởi không có lý do để làm điều đó. Có thể bạn đang nghĩ tới việc tái hiện lại lời khai của các nhân vật qua các phân cảnh, vì dù sao đây cũng là thứ duy nhất có thể đưa vào. Tuy nhiên về cơ bản thì toàn bộ những gì xảy ra trong căn phòng chỉ là một màn tranh luận, mọi chuyện đều chỉ là giả thiết do các bồi thẩm đưa ra. Có thể chắc chắn, hoặc không, vậy nên cũng chẳng cần lấy tư liệu ở đâu cả.

Sau khi có tất cả các nguyên liệu kể trên: nhân vật, thoại, bối cảnh,…thì vẫn còn một thứ dù chỉ là gia vị nhưng lại đóng vai trò rất lớn, nếu không muốn nói là then chốt của bộ phim, đó là tiết tấu. Một điểm cực kỳ quan trọng nhưng do nhiều ông còn đang mải miết tìm kiếm moi móc mổ xẻ tầng tầng lớp lớp triết lý của phim nên chẳng mấy khi để ý đến.

Với 12 Angry Men, cứ sau mỗi lần tranh luận, gợi mở, thay đổi lá phiếu, căng thẳng dồn dập là lại xuất hiện một khoảng lặng, vừa để kiểm soát diễn biến, vừa để khán giả suy ngẫm về tình tiết đã xảy ra, vừa để chuẩn bị màn đấu khẩu sắp tới.

Thực hiện được tất cả những yếu tố kể trên là đã có được một bộ phim xuất sắc, tuy nhiên để nâng tầm tác phẩm đạt tới ngưỡng “mọi thời đại” thì còn cần một thứ nữa: ý nghĩa. Chủ đề về cảm hứng sống (Forrest Gump), ý chí tự do (Shawshank Redemption), mưu cầu hạnh phúc (The Pursuit of Happyness) hay bài học cuộc đời (The Godfather) luôn rất được lòng khán giả bởi chúng là những khía cạnh căn bản trong con người, không phân biệt bất kỳ ai và rất dễ cảm nhận.

Trong trường hợp của 12 Angry Men thì đó là công lý, là lẽ phải. Một mong cầu mà có lẽ không ai trên thế giới này là không muốn. Mạng sống của một con người không thể dễ dàng định đoạt chỉ vì một ý nghĩ sơ sài rằng họ đáng bị như vậy.

Văn hóa

Yếu tố văn hóa của Hoa Kỳ hiện hữu rõ ràng trong tác phẩm này khiến mình không thể không nói thêm về nó. Cơ chế bồi thẩm đoàn thậm chí có thể xem là một trong những biểu tượng của nước Mỹ. Mặc dù có không ít quốc gia khác như Anh hay Canada cũng áp dụng hình thức luận tội này nhưng nổi tiếng nhất vẫn là nơi đã sản sinh ra 12 Angry Men.

12 con người không liên quan gì đến nhau, thuộc mọi tầng lớp, lĩnh vực hay ngành nghề trong xã hội sẽ ngồi lại để tranh luận xem bị cáo có thực sự có tội hay không. Cần một lượng người vừa đủ như vậy để các quan điểm đưa ra được dung hòa lẫn nhau và không tồn tại nhiều thiên kiến trong đó.

Dù không phải lúc nào hình thức này cũng mang lại hiệu quả tuyệt đối nhưng ít ra thì nó cũng làm tăng xác suất đúng đắn trong phán quyết cuối cùng, từ đó mà thuyết phục được những con người cả trong lẫn ngoài cuộc.

Bài viết mới nhất

10 câu nói hay trong The Prestige về mánh khóe

Được đánh giá là tác phẩm xuất sắc nhất lấy đề tài ảo thuật...

10 câu nói hay trong Memento về trí nhớ

Tác phẩm khét tiếng bởi cấu trúc kỳ quái cùng câu chuyện đặc biệt...

20 câu nói hay trong Troy mang đậm chất sử thi

Là bom tấn nổi tiếng nhất lấy bối cảnh Hy Lạp cổ đại, dù...

10 câu nói hay trong Joker về khổ đau

Bộ phim là hiện tượng điện ảnh của năm 2019 và cũng là lần...

Bài viết tương tự

Phim giống The Pursuit of Happyness mà bạn nên xem

Một trong những điểm cộng lớn của tác phẩm nổi tiếng có nội dung...

Phim giống The Shawshank Redemption mà bạn nên xem

Tác phẩm điện ảnh nhận được số điểm cao nhất trên trang dữ liệu...

Phim giống The Truman Show mà bạn nên xem

Là cái tên rất được lòng khán giả, cũng dễ hiểu khi mà tác...

Phim giống The Matrix mà bạn nên xem

Được đánh giá là một siêu phẩm khoa học viễn tưởng ngay từ khi...

Phim giống Inception mà bạn nên xem

Là một trong những siêu phẩm giả tưởng được biết đến rộng rãi nhất...

Phim giống Memento mà bạn nên xem

Tác phẩm khét tiếng của Christopher Nolan, vẫn luôn giữ một vị trí cao...