Ra mắt vào 2018, ban đầu là một đoạn trailer gây tò mò, A Simple Favor gợi lại cho khán giả về một cái tên đình đám từng gây nên cơn sốt nhiều năm về trước – Gone Girl.
Sở hữu một nội dung có nhiều nét tương đồng với Cô Gái Mất Tích, thế nhưng Lời Thỉnh Cầu Bí Ẩn hoàn toàn bị đè bẹp bởi cái bóng quá lớn của tác phẩm tiền nhiệm.
Vậy nếu bạn đang cần thêm một chút động lực để xem phim : A Simple Favor được tô điểm bởi nhân vật nữ cực nuột do Anna Kendrick và Blake Lively thủ vai. Hai gương mặt cực kỳ gần gũi, chí ít là đối với mình.
Tổng quan thì nếu bạn xem cho vui, xem để giết thời gian hoặc chỉ đơn giản là có niềm đam mê với đề tài “mất tích” thì nên xem, còn nếu cần một bộ phim chỉn chu, nhiều cao trào, kịch tính hấp dẫn như các tác phẩm đã được mình review trước thì đừng xem A Simple Favor, mệt đầu lắm. Lý do vì sao sẽ được mình trình bày ở nửa sau của bài viết.
Phim mở đầu bằng đoạn vlog của một người mẹ trẻ – Stephanie, đang chia sẻ về vụ mất tích của người bạn thân của cô – Emily. Đã năm ngày trôi qua kể từ khi lần cuối cùng cô gái bí ẩn được nhìn thấy.
Lần đầu Stephanie gặp Emily là khi cô đến đón con trai ở trường tiểu học. Đó là một người phụ nữ trẻ trung, có gu ăn mặc thời thượng, bước xuống từ một chiếc xe bóng loáng. Cô ta có mái tóc vàng rất cuốn hút, dáng người cao ráo, phong thái đầy tự tin. Nhìn hao hao vợ của Ryan Reynold.
Emily cũng có một người con trai, chỉ khác với Stephanie là cô gái tóc vàng có chồng, còn nữ chính thì phải chịu cảnh góa bụa.
Quen nhau được một thời gian ngắn mà cả hai đã tỏ ra vô cùng thân thiết, đến nỗi mà Stephanie sẵn sàng thổ lộ cả những phần tăm tối nhất trong cuộc đời cô.
Trong khi Steph lúc nào cũng vui vẻ hồ hởi thì Em dường như được bao phủ bởi một màn sương huyền ảo, không ai có thể chạm tới.
Chuyện sẽ chẳng có gì để nói nếu như vào một ngày đẹp trời, sau khi nhờ vả Steph đi đón con hộ mình, Em đã biến mất mà không nói một lời.
Ban đầu, cả Steph và chồng của Em – Sean đều nghĩ rằng cô nàng láu cá chỉ đi công tác đột xuất, cho đến khi mọi nỗ lực liên lạc đều thất bại.
Cảnh sát đã phải vào cuộc, và rồi…
…nói chung là phức tạp lắm, chuyện phụ nữ mà.
Nội dung phim
Trước khi xem A Simple Favor, mình đã đặt trọn vẹn niềm tin rằng cái tên này sẽ khiến mình phải đứng ngồi không yên như Gone Girl, còn nếu không thì cũng phải một chín một mười. Nhưng quả thực, Lời Thỉnh Cầu Bí Ẩn đuối sức thấy rõ so với tuyệt phẩm của đạo diễn David Fincher.
Điểm yếu rõ nét nhất nằm ở phần nội dung. Mọi thứ có vẻ khá suôn sẻ khoảng đầu phim : một cô gái trẻ ngây thơ trong sáng, một cô ả tóc vàng mời gọi đầy bí hiểm, một người đàn ông đạo mạo.
Màn chuyển đổi vai trò giữa các nhân vật cũng diễn ra trơn tru : cô gái trẻ không thật sự ngây thơ và gã đàn ông kia chẳng đứng đắn tẹo nào, trong khi đó người đàn bà lắm chiêu trò giờ đang yên nghỉ dưới lòng hồ lạnh ngắt. Nghe có vẻ khá hấp dẫn.
Cho đến khi, tác giả của vở kịch – Emily đã có một pha lộ mặt không thể cùi hơn. Khoảnh khắc cô gái tóc vàng bước lững thững ra nghĩa trang gặp Stephanie làm mình bị đứng hình mất mấy giây, kiểu WTF ?!?
Kể từ thời điểm đó, mọi sự kiện diễn ra trong phim khiến cho người xem cảm thấy cần lắm những hạt muối. Đỉnh điểm là đoạn kết không thể khắm hơn được nữa, mình cũng không biết phải miêu tả nó ra đây như thế nào nữa.
Nhìn cái cảnh Emily bị ô tô đâm xong lóp ngóp bò dậy mình còn tưởng đang được thưởng thức một bộ phim kinh dị hài.
Cái thốn nhất là ở chỗ : sau tất cả, bạn vẫn sẽ không thể hiểu nổi bộ phim này thuộc thể loại gì.
Vậy là Emily từ kẻ chủ mưu, biến thành…à mà thôi. Stephanie vẫn tiếp tục làm mẹ bỉm sữa, quay vlog mỗi ngày, cứ như thể là những sự việc vừa qua chưa từng xảy ra. Còn Sean…
Cùng là nhà văn, cùng mang một vẻ khờ khạo, đều bị vợ lợi dụng, thế nhưng cái cách mà Nick (Ben Afleck) trong Gone Girl cư xử thì ngầu lòi, trong khi bố Sean thì loay hoay từ đầu đến cuối, cả bộ phim chỉ biết quay đi quay lại giữa hai con sò, đến gần kết thúc phim vẫn lăn tăn chưa biết nên chọn con nào cho bữa tối. Buồn của Sean…
Chê mãi rồi, giờ vớt vát tí. Điểm nhấn duy nhất của phim nằm ở cách giải thích cho cái chết giả của Emily : người chị em song sinh. Vậy thôi, mình không tìm được cái gì đáng chú ý hơn.
Việc xuất hiện hai cô nàng hấp dẫn, mời gọi cũng không thể khiến cho một người đàn ông đơn giản nhưng ngay thẳng như mình trở nên dễ dãi hơn được.
Nếu để vạch ra những điểm mạnh và yếu giữa Gone Girl và A Simple Favor thì Gone Girl lấn át hoàn toàn về mọi mặt. Nói cả ngày cũng không hết.
Thậm chí, mình còn đánh giá cao The Girl On The Train – một bộ phim cũng xoay quanh những người phụ nữ, hơn là A Simple Favor. Mặc dù Cô Gái Trên Tàu có cách thể hiện tương đối khó xem nhưng chí ít thì phim khai thác tốt tâm lý nhân vật, cả mở, thân, kết đều xuất hiện nhiều cao trào, kịch tính. Ngoài ra thì nữ chính đóng rất nhập tâm. Nếu bạn hứng thú thì nên xem thử.