Nếu bạn cảm thấy bản thân đang bị nhạt, thường xuyên kể những câu chuyện mãi không đến đoạn buồn cười, cần bổ sung chút muối cho cuộc sống thêm phần đậm đà thì hãy thử After Life Season 1. Nếu bạn đang bế tắc và cần tiếp thêm chút động lực sống thì lại càng phải xem hơn.
Tony – người đàn ông vừa trải qua nỗi đau mất vợ, rơi vào trạng thái trầm cảm và chẳng còn thiết tha gì cuộc sống này nữa. Anh trở nên cục cằn khó chịu và thích mang mọi người xung quanh ra làm trò cười, đơn giản là bởi nó khiến tâm trạng của bản thân được thoải mái trong một giây ngắn ngủi.
Một ngày của người đàn ông góa vợ thường bắt đầu bằng việc bật lại những đoạn video mà Lisa đã ghi lại trước lúc cô ra đi, sau đó sẽ là dắt con chó đi dạo, ra thăm mộ vợ, đến trò chuyện với người bố già nua tại viện dưỡng lão, tới buổi trị liệu tâm lý và điểm đến cuối cùng là tòa soạn báo địa phương – nơi anh làm việc. Một vòng lặp không lối thoát.
Tony sẽ phải làm gì để vượt qua cơn khủng hoảng này? Liệu câu chuyện cuộc đời anh rồi sẽ đi về đâu?
Nội dung phim
Xem đến đây thì hẳn bạn cũng đã nhận ra rằng cả bộ phim này chỉ loanh quanh từ nhà ra phố, lặp đi lặp lại trong 6 tập liền với những hoàn cảnh vô vị: gặp thanh niên đưa thư, phục vụ bàn, gái bán hoa, bọn đầu đường xó chợ cho đến ngồi tán phét cùng đám đồng nghiệp…
Vậy điều gì đã tạo nên sự khác biệt? Có 3 nhân tố chính làm nên thành công rực rỡ của After Life Season 1.
Thứ nhất, đó là kịch bản thông minh. Mặc dù cốt truyện của phim đơn giản đến mức khó tin nhưng chính điều đó mới tạo nên sức mạnh thực sự. Đâu cần thiết phải mải miết với những kịch bản rườm rà nhưng lóng ngóng như một bộ phim nào đó làm gì?
Tác phẩm có rất nhiều lời thoại nhưng thốt ra câu nào là chí mạng câu đấy, đến nỗi mà bạn hoàn toàn có thể cap lại màn hình cả bộ phim luôn cũng được. Nhịp độ của phim diễn ra đều đều nhưng không hề tạo cảm giác nhàm chán hay buồn ngủ đối với người xem.
Nhà làm phim chỉ đơn giản là bằng cách đặt Tony vào một tình huống nực cười, anh ta sẽ ứng biến lại bằng khiếu hài hước phi thường của mình cùng một biểu cảm lạnh lùng đến khó tin. Và thế là chúng ta đã có một câu chuyện về người đàn ông chật vật tìm kiếm niềm vui ở đời.
Thứ hai là diễn xuất của nam chính. Gương mặt hiền lành, hài hước và có nét gì đó buồn buồn của Rick Gervais quá khớp với Tony Johnson. Mình tự hỏi không biết ông này làm thế nào để có thể nhịn cười trong suốt bộ phim dài như vậy.
Bên cạnh đó, After Life còn là màn độc diễn của danh hài Rick Gervais. Anh thi đấu ở cả 4 vị trí: nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch và diễn viên, một điều mà trước giờ chẳng mấy người dám làm. Cuối cùng thì nhân vật tài năng này đã hoàn thành xuất sắc tất cả các vai trò.
Và điều thứ ba, đó là ý nghĩa phim thiết thực, chân thành, dễ cảm nhận. Từ các nhân vật, lời thoại cho đến bối cảnh của phim đều có thể bắt gặp đâu đó trong cuộc sống của mỗi người.
Chỉ riêng phân cảnh Tony ngồi tâm sự với Anne ở gần kết thúc đã xuất hiện một câu thoại đắt giá chứa đựng ý niệm mà nhà làm phim muốn gửi gắm rồi
“Nếu tôi quay lại và thay đổi một thứ tôi không thích, tôi có thể mất thứ mà cái không hay đó mang lại cho tôi. Anh không nên hối hận gì, hay nghĩ ‘Nếu được quay lại, mình sẽ làm thế này thế kia’.”
Đó chính là cách duy nhất để vượt qua những mất mát.
After Life Season 1 có một cái kết viên mãn nhưng đây cũng là điểm gây tò mò đối với mình, khi mà phim hiện đã có mùa hai và còn được thông báo là sắp ra mắt mùa ba. Không biết là Tony đã hạnh phúc như vậy rồi thì mùa sau còn cái gì mà giải quyết nữa nhỉ?
Bên cạnh các nhân tố kể trên, màu sắc trong phim cũng là thứ gây chú ý. Tác phẩm có tông màu tươi sáng, nhẹ nhàng như chính những thông điệp mà nó muốn truyền tải: mọi chuyện rồi cũng sẽ ổn thôi.