Annihilation – một cái tên nghe rất lạ tai, ban đầu mình còn chả biết phải đọc thế nào nữa. Bộ phim này hiện đang được quan tâm bởi nhiều bạn trẻ có sở thích tọc mạch những thứ khó hiểu. Tuy nhiên, bộ phim này có thật sự phức tạp như lời đồn, tất cả sẽ có ở bên dưới.
Câu chuyện theo chân nhân vật chính Lena, một nhà sinh vật học. Người chồng cô – Kane, là một quân nhân, người đã tham gia vào một nhiệm vụ bí mật và đến nay chưa tìm ra tung tích.
Một năm sau, Kane bất ngờ trở về. Hai vợ chồng vừa đoàn tụ trong phút chốc đã lại xảy ra vấn đề: Kane phun ra máu vào cốc nước khi vừa đưa lên đến miệng.
Xe cấp cứu đến đưa hai người đi. Trên đường, một lực lượng có vũ trang bất ngờ khống chế chiếc xe, đưa hai người họ đến một căn cứ bí mật.
Tại đây, Lena gặp tiến sĩ Ventress. Bà tiết lộ cho cô về vùng đất bí ẩn nằm ngay đối diện khu căn cứ, ẩn mình dưới một lớp màng rực rỡ bảy sắc cầu vồng. Chính xác là Kane đã vào trong đó cùng những đồng đội, và giờ thì anh ta ra nông nỗi này.
Bằng một lý do khó giải thích nào đó, Lena lặng lẽ chấp nhận sẽ cùng Ventress và 3 nhà khoa học nữ khác tiến vào Vùng Hủy Diệt.
Không chỉ là cuộc hành trình thám hiểm vùng đất lạ, đó còn là những góc khuất trong quá khứ không rõ ràng giữa Lena và Kane.
Nội dung phim
Điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí bạn sau khi kết thúc phim chắc hẳn là ý nghĩa thật sự của nó. Thực sự thì chỉ cần để ý một chút đến thân phận của nhóm 5 người phụ nữ, và cả Kane nữa, là bạn đã có thể đoán ra phần nào ý đồ của tác giả. Đó là sự bế tắc trong cuộc sống và kệ cho cuộc đời đến đâu thì đến. Nghe có vẻ hơi sao sao nhỉ.
Kane đồng ý tham gia vào dự án bí mật chỉ vì anh phát hiện ra vợ mình ngoại tình. Lena cũng bước vào Vùng Hủy Diệt với một tâm thế khó tả không kém: cảm thấy có lỗi với chồng mình. Có gì đó không ổn đúng không? Trong 4 người phụ nữ còn lại thì mình chỉ thấy Ventress là mang một lý do chính đáng hơn cả – căn bệnh ung thư.
Ban đầu, mình khá khó hiểu về việc tại sao đàn bà con gái lại chấp nhận cầm súng ống để đi vào cái chốn mà đến đàn ông còn một đi không trở lại, về sau khi để ý một chút về từng thành viên thì đã ngẫm ra lý do thật sự của họ.
Mình thấy ý tưởng này thiếu thuyết phục và khá lỏng lẻo, nhưng có lẽ đây đã là dụng ý to tát nhất mà nhà làm phim đã gửi gắm vào. So với những Enemy hay Mr. Nobody, mình cảm thấy cách truyền tải của Annihilation có gì đó khá ba chấm.
Lẽ ra nhà sản xuất nên thêm thắt vào những chi tiết cho thấy sự đau khổ của từng người thì phim sẽ được đánh giá cao hơn, thay vì chỉ thông qua dăm ba câu thoại như vậy.
Annihilation được kể bằng cấu trúc phi tuyến tính, một kiểu diễn đạt rất được lòng những ai yêu thích sự hại não. Tuy nhiên, không phải cứ sắp xếp loạn xạ lên là sẽ trở nên phức tạp.
Ngay từ đầu phim, khi thấy một người phụ nữ ngồi bần thần, trước mặt là một người mặc bộ đồ chống độc, mình cũng đã hình dung ra được phần nào là bộ phim này đã đặt cái kết lên đầu và trình bày không theo trình tự thời gian ở những đoạn tiếp theo.
Nội dung của phim được chia làm 3 bối cảnh chính được trình chiếu đan xen: Lena từ lúc còn giảng dạy ở trường đại học cho đến khi thám hiểm Vùng Hủy Diệt, Lena bị cách ly và những ký ức về quá khứ tội lỗi của cô. Thực sự không cần quá nhiều sự tập trung để nắm bắt được những tình tiết này.
Điều làm cho Annihilation trở nên thật sự khó hiểu chính là phân cảnh Lena bên trong ngọn hải đăng. Tại đây, cô phát hiện ra sự thật về Kane thông qua cái máy quay và cũng được giáp mặt “phiên bản khác” của mình.
Ở kết thúc phim, hẳn bạn cũng sẽ có đôi chút tò mò khi Lena đã phát hiện Kane này “không phải chồng cô”, nhưng vẫn chấp nhận “hắn”. Tuy nhiên, khi nhìn vào mắt Lena, nó cho thấy dù thoát được ra khỏi Vùng Hủy Diệt nhưng cô đã không còn như xưa. Dường như một sự biến đổi đã xảy ra trong ngọn hải đăng.
Bên cạnh nội dung, ý tưởng, cách kể chuyện, chỉ còn đúng một thứ duy nhất đáng để nói về bộ phim. Đó là nhạc phim. Có một sự lạ đời không hề nhẹ khi một bộ phim khoa học viễn tưởng lại sử dụng một bản nhạc nền là tiếng guitar, loại âm thanh không thường.
Đây thực ra là một điều tốt, khi mà nó vừa tạo cảm giác mới lạ, lại mộc mạc và chân thành như một lời tự sự của những người trong cuộc.
Bên cạnh đó, điểm cộng lớn là hình ảnh và kỹ xảo của phim rất đã mắt. Cũng gọi là bù đắp được một chút so với phần nội dung.
Ngoài ra, ban đầu mình còn nghĩ rằng Annihilation chỉ đơn thuần là một bộ phim khoa học viễn tưởng, ai dè nó còn chứa đựng khá nhiều tình tiết kinh dị. Có một số phân cảnh xem xong mà nổi hết cả da gà.
Và đó là lời giải cũng như những cảm nhận của mình về Annihilation, một bộ phim mà mình cho là chỉ dừng ở mức chấp nhận được, các tình tiết diễn ra thiếu tự nhiên và đôi khi mặc kệ logic.