Một tác phẩm chỉ dài vỏn vẹn tiếng rưỡi theo như lời quảng cáo, thế nhưng chắc chắn bạn sẽ dành ra thêm một đống thời gian nữa chỉ để khám phá trọn vẹn mọi ngóc ngách của nó. Đó chính là Black Mirror: Bandersnatch – bộ phim tương tác đầu tiên trên nền tảng Netflix.
Nói qua một chút về phim tương tác: chỉ đơn giản là bạn sẽ được quyết định trong một vài tình huống nhằm góp phần dẫn tới những cái kết khác nhau. Và điều đó cũng có nghĩa cách duy nhất để “chơi” được bộ phim này là…đóng tiền cho Netflix.
Yếu tố công nghệ và tương lai đen tối – thứ làm nên thương hiệu Black Mirror – vẫn được khai thác triệt để trong tác phẩm lần này.
Phim có sự tham gia của Fion Whitehead trong vai trò nam chính xấu số bất hạnh. Lúc đầu nhìn mặt quen quen, hóa ra là đóng Dunkirk.
Lấy bối cảnh nước Mỹ năm 1984, câu chuyện phim xoay quanh Stefan Butler – một lập trình viên trẻ tuổi đầy tài năng, người đang có dự định sẽ xây dựng một tựa game cùng tên dựa trên cuốn tiểu thuyết Bandersnatch của tác giả Jerome F Davies. Anh hợp tác với Tuckersoft – một công ty phát hành game, làm việc chăm chỉ và hy vọng đứa con tinh thần của mình sẽ tạo nên cơn địa chấn.
Cũng trong khoảng thời gian này, Stefan phát hiện ra nhiều điểm bất thường về những thứ xung quanh, về quá khứ của anh, và về bản chất của thế giới này. Chìa khóa nằm trong tay bạn, thử tìm hiểu xem sao.
Nội dung phim
Sau vài tiếng đồng hồ dò dẫm đủ kiểu thì mình đã khám phá tất cả các ngóc ngách khác nhau cho cuộc đời anh nam chính.
Bạn có thể hình dung mạch truyện của Black Mirror : Bandersnatch giống như một con đường vậy. Bên cạnh một đại lộ – chính là con đường chính mà nhà sản xuất mong bạn đi vào – thì vẫn còn tồn tại một vài lối nhỏ. Sẽ có hai trường hợp xảy ra ở đây: hoặc là tìm ra một cái kết độc đáo hơn, hoặc là sẽ đâm đầu vào một ngõ cụt và phải quay đầu lại.
Bỏ qua một vài lựa chọn lặt vặt ở đầu phim như “ăn sáng món gì?” hay “bật nhạc gì để nghe?”, cốt truyện sẽ tạo ra đột biến đáng kể ở các cột mốc sau
– Kể cho bác sĩ Haynes về mẹ mình hay không?
– Vào viện gặp bác sĩ hay đi theo Colin?
– Cầm tấm ảnh gia đình hay cầm quyển sách?
– Netflix hay Tank?
– Chôn xác hay chặt xác?
Có thể chia các kết thúc của phim thành 3 dạng chủ yếu: Stefan khám phá ra đời anh chỉ là một sản phẩm của Netflix, Stefan kết thúc cuộc sống bằng cách bóc lịch, còn lại là cái kết chính. Đó là khi Stefan vẫn phải đi tù, nhưng anh đã hoàn thành trọn vẹn tựa game và di sản của nó vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay, thậm chí còn được một lập trình viên khác có ý định xây dựng lại. Và chặt xác ông bố là lựa chọn duy nhất để dẫn tới cái kết này.
Sở dĩ mình đoán đây là kết thúc chính là bởi chỉ cái kết này mới có phần intro các diễn viên lúc hết phim. Nó cũng rất hợp lý bởi nếu bạn để ý thì mục đích cốt lõi của cả bộ phim là “Stefan phải hoàn thành tựa game”. Đó là lý do mà các hành động lựa chọn như “đổ trà” hay “phá hủy” máy chơi game đều buộc phải thực hiện lại.
Trong số 3 cái kết trên thì cái bóc lịch là xảy ra nhiều nhất, dù cho người bị Stefan giết là ông bố, ông chủ hãng game hay Colin thì về cơ bản đều hưởng tới một cái đích: có chàng trai viết lên tường.
Tuy nhiên, bên cạnh 3 con đường kia thì thực ra vẫn còn một hướng đi “đặc biệt” khác. Tình tiết này chỉ xảy ra khi bạn quyết định đi theo Colin, rồi sau đó sẽ không giết ông bố nữa. Lúc này, nhân vật chính sẽ tìm được ra cách để mở được cái tủ của ông bố. Và lại một lần nữa, có hai kịch bản khác nhau sẽ xảy ra.
Thứ nhất, Stefan lấy được con gấu bông thuở bé. Sau đó, nếu chọn lên chuyến tàu định mệnh cùng người mẹ, anh có thể ra đi thanh thản cùng bà. Mặc dù đây chỉ là một cái kết phụ nhưng đây lại là cái kết mình thích nhất, cảm giác như Donnie Darko vậy.
Thứ hai, đó là Stefan sẽ không lấy con gấu, mà thay vào đó anh khám phá ra sự thật kinh hoàng về cuộc đời mình, một kịch bản như kiểu The Truman Show vậy. Đây cũng là lần duy nhất màn hình có thêm một sự lựa chọn là “PACS” thay vì “Netflix”. Kết thúc kiểu này rất thú vị và độc đáo, sặc mùi thuyết âm mưu.
Tựu chung lại, đằng sau cái mớ lộn xộn của Black Mirror Bandersnatch thì chỉ có cái kết “tôi đang điều khiển anh qua Netflix” là mang tính giải trí và nhảm nhí nhất, còn lại thì đều là một tấn bi kịch dành tặng nhân vật chính.
Yếu tố công nghệ và tương lai đen tối – thứ đã làm nên thương hiệu của series Gương Đen – vẫn được tận dụng tối đa trong phim, dù rằng bối cảnh diễn ra các sự kiện là 1984, thời điểm mà iphone vẫn còn chưa đặt chân tới địa cầu.
Nếu phải nêu ra một vấn đề của Bandersnatch thì đó chắc hẳn là phim không gây được cảm giác ám ảnh như các phần phim khác của Black Mirror.