Giới thiệu phim
Bộ phim kể về một con người đặc biệt, với cuộc đời và câu chuyện tình cũng không kém phần đặc biệt, đó là The Curious Case of Benjamin Button.
Với tâm điểm là hai nhân vật chính do Brad Pitt và Cate Blanchett thủ vai, cùng người nắm giữ cương vị đạo diễn là David Fincher. Những cái tên này như một sự khẳng định cho chất lượng của bộ phim.
Cuộc đời kỳ lạ của Benjamin được xây dựng trên ý tưởng về một người đàn ông có vẻ ngoài tiến hóa ngược : khi sinh ra mang diện mạo của một ông lão, dần dần trẻ ra khi trưởng thành và chết đi trong hình hài của một đứa bé.
Những gì bạn sắp sửa được theo dõi là câu chuyện về cuộc đời đầy chông gai của con người đó.
Phim mở đầu bằng cảnh tượng trong một bệnh viện, nơi một người phụ nữ tên Daisy già nua đang hấp hối, bên cạnh bà là cô con gái Caroline. Bà bảo cô con gái đọc cho bà nghe cuốn nhật ký của mình.
Caroline bắt đầu lật trang đầu tiên, một giọng kể trầm ấm khác dần thay thế
“Tên tôi là Benjamin Button, và tôi được sinh ra trong một hoàn cảnh khác thường. Chiến tranh thế giới thứ nhất đã kết thúc. Người ta nói với tôi rằng đó là một đêm tốt lành để được sinh ra…”
Những cảnh phim quay ngược về năm 1918, nơi một đứa trẻ đặc biệt vừa chào đời. Người mẹ qua đời ngay sau khi sinh, bố của nó sau khi nhìn thấy con thì không thể chấp nhận sự thật. Ông vội vàng lao nhanh ra khỏi nhà với đứa bé trên tay, trong cái đêm mà người người đang hò reo ăn mừng.
Sau khi chạy khắp nơi, người bố đặt đứa trẻ trên bậc thang trước cửa một viện dưỡng lão. Có hai người nam nữ từ trong nhà bước ra, ông bố đứa trẻ cũng nhanh chóng biến mất, như thể vừa cắt bỏ được một khối ung nhọt.
Người phụ nữ kia lật tấm vải che ra, trước mắt họ là một đứa bé xấu xí, nhăn nheo, teo tóp không khác gì một ông già tám mươi.
Cả hai người đều giật bắn mình, người phụ nữ nhận ra sẽ không ai chịu chăm sóc cho một đứa trẻ như vậy. Cô mau chóng ẵm nó vào nhà bằng tình thương khó có từ ngữ nào diễn tả được, khi mà ngay cả bố đẻ cũng ruồng bỏ nó. Người phụ nữ đó tên Queenie.
Bác sĩ chẩn đoán đứa trẻ kỳ lạ kia có tất cả những đặc điểm của một ông lão và rất có thể nó sẽ chết sớm. Thế nhưng Queenie với tấm lòng bao dung của mình vẫn quyết tâm giữ nó lại, cô coi nó như một phép màu. Cô đặt tên cho đứa bé là Benjamin.
Điều kỳ diệu đã xảy ra, Benjamin không chết đi, nó lớn dần lên, các giác quan cũng được trẻ hóa. Một “ông lão” mang tính nết của một đứa trẻ.
Benjamin tập đi, những bước đi đầu tiên của “ông lão” 7 tuổi đã bắt đầu như vậy. Benjamin cũng bắt đầu làm quen với thế giới bên ngoài, cậu thấy rất nhiều điều thú vị.
“Vào lễ tạ ơn năm 1930, tôi đã gặp người làm thay đổi vĩnh viễn cuộc đời tôi
Tôi không bao giờ quên đôi mắt xanh của cô ấy”
Benjamin nhận ra rằng cô bé đó đã chiếm giữ trái tim cậu. Nhưng sự khác biệt nơi cậu đã ngăn hai người được ở gần nhau.
Nhận thức của Ben ngày một rõ ràng hơn, những người lớn tuổi quanh Ben chỉ cho cậu những điều thú vị mà họ biết.
Thời gian trôi đi, chứng kiến bao điều thay đổi, Ben cũng không phải là ngoại lệ.
Phần còn lại của câu chuyện lạ kỳ, bạn hãy tự khám phá nhé.
Bật mí thêm một chút là bộ phim này khá dài, thời lượng lên đến gần 3 tiếng. Thế nên nếu bạn không thích xem phim ngắt quãng thì hãy sắp xếp thời gian nhé.
Cảm nhận phim
Suy cho cùng, cuộc đời Benjamin chỉ toàn sự cô đơn, ngay từ cái ngày anh chào đời. Điều này như một ẩn ý nằm ở chính ý tưởng của phim : dù cho Ben có ở độ tuổi nào thì anh vẫn luôn khác biệt so với tất cả mọi người, và sự khác biệt đó đã ngăn anh có được một cuộc sống bình thường.
“Tôi sẽ rời bỏ thế giới này bằng cách y như khi tôi đến, một mình và trắng tay. Tất cả những gì tôi có là câu chuyện cuộc đời tôi”
Dù cô đơn, nhưng may mắn là anh luôn có những người đáng trân trọng ở bên. Một trong số đó là Daisy, cô gái đã mang đến những xúc cảm đầu đời và nó đã in hằn trong tâm trí Ben mãi sau này.
Cái hay nhất của The Curious Case of Benjamin Button là phim lấy được những khía cạnh thực tế. Đây không phải là một câu chuyện về hai người yêu nhau rồi thề sống chết các kiểu, cả hai đều có cuộc đời của riêng họ, đều có tình yêu khác mà không phải là người kia. Nhưng cuối cùng họ vẫn tìm về với nhau.
Ben có cuộc phiêu lưu của riêng anh. Khi bắt đầu độ tuổi thanh niên, anh nhận làm việc trên một tàu đánh cá.
Đi theo thuyền trưởng Mike, Ben được biết thêm rất nhiều điều mới mẻ về cuộc sống, đó cũng là lần đầu tiên anh “vào đời”. Anh cũng từng qua lại khá nhiều người phụ nữ, nhưng Daisy vẫn luôn để lại cảm xúc sâu đậm nhất.
“Trưởng thành là một việc thú vị, nó len lỏi vào trong bạn”
Trong suốt quãng đời của Benjamin, anh chứng kiến sự ra đi của nhiều người. Đó là sự mất mát, là một phần của cuộc sống, nhưng nó sẽ còn buồn thảm hơn rất nhiều khi những người xung quanh ngày một già đi còn Ben thì không như vậy.
Chỉ có ngôi nhà là vẫn thế, vẫn là cái viện dưỡng lão thân quen, nơi Ben đã lớn lên. Cứ thế cho đến một ngày, mẹ của Ben – Queenie cũng sang thế giới bên kia… Mình tiếc rằng đoạn này biểu cảm của Ben hơi nhạt, đáng lẽ anh nên tỏ ra xúc động và nghĩ đến những khung cảnh tưởng nhớ người mẹ thì sẽ tuyệt vời hơn.
Daisy cũng có cuộc sống riêng : cô học ballet, có được những vở diễn đáng nhớ, cặp với nhiều chàng trai, bị tai nạn ô tô và không thể tiếp tục niềm đam mê với ballet.
Sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng cũng đến thời điểm mà Ben và Daisy ngang nhau về cả độ tuổi lẫn vẻ ngoài, lần này thì họ đã ở cạnh nhau.
Thế nhưng họ cũng biết rằng điều này không phải mãi mãi, khi mà Ben ngày một trẻ trung, phong độ như một chàng thanh niên mới 21, Daisy thì không thể chống lại được tuổi tác.
Lúc này cả hai nhận được tin Daisy có thai, Ben tỏ rõ nỗi lo rằng con sẽ giống mình, hơn nữa là trong tương lai anh không muốn Daisy sẽ phải nuôi cả con và…chồng.
Tuy rằng cách hành xử của Ben khi muốn tìm một người cha khác cho con mình là hợp lý nhưng đồng thời nó cũng vô tình biến Ben trở thành ông bố có phần vô trách nhiệm với con mình.
Anh ta chỉ lẳng lặng đi, không một lời giã từ, để lại một khoản tiền lớn cho hai mẹ con. Đáng lẽ anh nên nghĩ đến điều này trước khi có con với Daisy.
Khoảng thời gian sau đó Ben bắt đầu chu du khắp thế giới, chỉ với một bộ quần áo lúc ra đi. Anh làm mọi việc kiếm sống và đến những nơi chưa từng đến, trải nghiệm cuộc sống của một thanh niên đúng nghĩa.
Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng để nói nếu sau này Ben không quay trở lại và tiếp tục mối quan hệ kín tiếng với Daisy, điều này khiến mình cảm thấy tội nghiệp cho người chồng mới của cô.
Bi kịch thực sự diễn ra khi Benjamin nhỏ lại thành một đứa trẻ, cùng với đó là sự quấy phá, nghịch ngợm, trí nhớ bị mất dần. Daisy lúc này đã có tuổi, cô trở thành bảo mẫu bất đắc dĩ cho người đàn ông của mình.
“Vào mùa xuân năm 2003, ông ấy nhìn mẹ, và mẹ biết rằng ông ấy biết mẹ là ai, rồi ông ấy nhắm mắt như thể chuẩn bị ngủ”
Đó là cái cách mà Benjamin Button rời bỏ thế giới này…
Cái kết phim rất hay, là một dòng hồi tưởng của Ben về những người đã đi qua cuộc đời kỳ lạ của anh.
Cơn bão đến, nhấn chìm tất cả, chỉ còn lại chiếc đồng hồ chạy ngược.
Một điểm thú vị rất riêng của phim là một vài cảnh được quay theo kiểu tư liệu, đó là câu chuyện về một ông lão bị sét đánh đến 7 lần được chính ông kể đi kể lại. Đây như một ví dụ kinh điển cho việc không bao giờ được ngừng hy vọng vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, mình khá bất ngờ khi Hiệu Ứng Cánh Bướm cũng được đưa vào phim, đó là phân đoạn Ben suy nghĩ về vụ tai nạn của Daisy. Bắt đầu từ hai sự kiện có vẻ chả liên quan gì đến nhau nhưng cuối cùng lại dẫn đến một kết quả không thể khác được. Dường như bộ phim nào về cuộc sống có sự xuất hiện của học thuyết này vào cũng đều hay thì phải.
Điểm duy nhất mình thấy chưa ổn lắm là phần kết phim khá nhanh, trong khi đoạn nửa đầu cuộc đời Benjamin lại tương đối dài.
Với một dàn diễn viên chất lượng, cái tên đầu tiên phải nhắc đến là Brad Pitt. Benjamin được coi là một trong những vai diễn hay nhất của người đàn ông hấp dẫn nhất thế giới. Anh thể hiện tốt sự cô đơn và buồn bã mà Benjamin đã phải chịu đựng trong suốt quãng đời của mình. Pitt đã giành được một đề cử nam chính cho phần thể hiện lần này của anh.
Nữ chính Daisy do Cate Blanchett thủ vai. Cô được coi là một trong những nữ diễn viên không phải người Mỹ thành công nhất với nhiều vai diễn ấn tượng trong sự nghiệp. Trong phim này Cate thật xinh đẹp và trẻ trung, cũng dễ hiểu khi mà thời điểm diễn ra bộ phim cô mới chỉ có 39 tuổi.
Một nhân vật khác mà mình rất có cảm tình, đó là Queenie – mẹ nuôi của Benjamin. Gọi là mẹ nuôi nhưng tình cảm mà bà dành cho Ben thực sự còn hơn cả mẹ đẻ. Dù cho sau này đã có một cô con gái nhưng bà vẫn luôn yêu thương Benjamin hết mực. Nhờ vai diễn ấm áp này mà nữ diễn viên da màu Taraji P.Henson đã nhận được một đề cử Oscar.
Ở cương vị đạo diễn, Cuộc đời kỳ lạ của Benjamin là một nét phá cách trong bộ sưu tập của David Fincher. Có thể bạn cũng đã biết ông là bậc thầy của dòng phim mystery với hàng loạt tác phẩm mang màu sắc u ám như Gone Girl, The Game, Zodiac hay Cô gái với hình xăm rồng.
The Curious Case of Benjamin Button mang hình thái khác biệt hoàn toàn so với các tác phẩm kia : nó đượm buồn, nhưng không u tối, nhẹ nhàng như một bản giao hưởng, khoác trên mình tông màu vàng nhạt đem lại cảm giác xưa cũ.
Bộ phim này cũng là lần hợp tác thứ ba giữa Brad Pitt và đạo diễn David Fincher. Danh tiếng mà nó mang lại thậm chí còn vượt xa cả hai tác phẩm lẫy lừng trước đó là Fight Club và Se7en.
Vậy nên cũng không quá khó hiểu khi The Curious Case of Benjamin Button đã đem về cho Brad Pitt và David Fincher hai đề cử Oscar danh giá dành cho nam chính và đạo diễn xuất sắc nhất.
Mình được biết lần tái hợp tiếp theo của cặp bài trùng này sẽ là World War Z 2, phần tiếp theo của bộ phim đình đám về xác sống. Hy vọng rằng đó sẽ lại là một tác phẩm thành công.
Một trong những điểm thành công nhất của The Curious Case of Benjamin Button là hóa trang và kỹ xảo. Bạn có biết gương mặt của Benjamin trong suốt 1 tiếng đầu phim được tạo ra nhờ…CGI ?
Nhà sản xuất đã phải ghi lại những sắc thái biểu cảm khác nhau của Brad Pitt, sau đó thêm vào các nếp nhăn, bọng mắt, cái đầu hói và cuối cùng đặt toàn bộ hình ảnh đó vào cơ thể của diễn viên đóng thế.
Thực sự rất đáng khâm phục. Cũng vì lẽ đó mà bộ phim này gần như không có đối thủ trong cuộc chiến giành tượng vàng ở hạng mục hóa trang và kỹ xảo xuất sắc nhất vào Oscar 2009.
Bài viết về The Curious Case of Benjamin Button sẽ kết thúc ở đây, nếu bạn chưa xem thì hãy xem bộ phim này ngay đi nhé, chắc chắn sẽ xứng đáng với gần 3 tiếng cuộc đời bạn đó.
- Xem thêm : 6 bộ phim truyền cảm hứng sống tích cực hơn
Nếu bạn thấy hay thì đừng quên để lại ý kiến cũng như chia sẻ bài viết để ủng hộ mình nhé. Bài viết tiếp theo sẽ là về một bộ phim kinh điển bậc nhất trong lịch sử điện ảnh.