Được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nữ nhà văn trinh thám ăn khách nhất mọi thời đại Agatha Christie, chỉ duy nhất lý do này là đã quá đủ để mình dành ra hai tiếng thưởng thức Crooked House rồi.
Vì mình từng đọc qua cuốn tiểu thuyết Ngôi Nhà Quái Dị và cảm thấy rất tâm đắc nên khi biết nó đã được dựng thành phim thì mình xem ngay. Nếu bạn chưa đọc sách thì nhấn vào đây để tham khảo thêm nhé.
Có một vài điểm khác biệt rõ nét giữa nguyên tác và phiên bản điện ảnh, mình sẽ nêu kỹ hơn ở bên dưới.
Bạn sẽ được theo bước chân gấp gáp của Charles Hayward, một thám tử đồng thời là cựu nhân viên của bộ ngoại giao. Một ngày nọ, khi vừa trở về văn phòng làm việc, một người phụ nữ ăn mặc chỉn chu, gương mặt khả ái đang ngồi đợi anh.
Đó là Sophia, người tình cũ của Charles. Cô đến để nhờ chàng thám tử trẻ tuổi giúp đỡ trong việc tìm ra kẻ đã sát hại ông nội cô, nhà tư bản khét tiếng Aristide Leonides. Sophia tin rằng một trong số những người thân trong gia đình đã ra tay với ông nội.
Sau một hồi tỏ ý khước từ, cuối cùng anh chàng lại chấp thuận vì một lý do trên trời nào đó.
Charles tìm đến nơi ở của gia đình Sophia. Ngay khi vừa đặt chân tới, một loạt những điều quái dị đã tới tấp vào mặt anh.
Đó là một ngôi nhà kỳ lạ, những con người sống ở đó cũng vậy. Chưa bàn tới những dấu hiệu của kẻ sát nhân, Charles đã hết sức kinh ngạc bởi thái độ của từng thành viên : bọn họ không hề đau xót trước sự ra đi của cố nhân. Thay vào đó là một sự dửng dưng đến rợn người.
Tâm điểm của sự nghi ngờ là Brenda, bà vợ thứ hai của lão gia. Cũng dễ hiểu vì sao Brenda bị ghét bỏ khi mà vào thời điểm hai người lấy nhau người phụ nữ vẫn còn quá trẻ, ngài Aristide thì đã có tuổi.
Thời gian trôi đi, Charles càng kinh ngạc hơn trước bản chất thực sự của gia tộc Leonides. Rốt cục ai mới là kẻ đã nhân tâm sát hại người đứng đầu dòng họ?
Nội dung phim
Như mình đã đề cập, có một vài điểm khác biệt giữa phiên bản tiểu thuyết và phim ảnh của Crooked House. Một trong số đó dễ dàng nhận thấy ở ngay đầu phim, chính là thân phận của Charles Hayward.
Trong cuốn Ngôi Nhà Quái Dị, Charles vẫn đang làm việc ở bộ ngoại giao. Thực tế anh còn chẳng mấy hứng thú với công việc điều tra của người bố. Tuy nhiên khi lên phim thì Charles là một thám tử thực thụ, còn bố anh thì đã mất.
Việc Charles tự xắn tay vào khám phá vụ án theo mình thì thú vị hơn so với vai trò của chính anh trong nguyên tác. Ở trong truyện thì thanh tra Taverner mới là người trực tiếp điều tra, còn Charles thì giống một người chạy lon ton viết ký sự hơn.
Mối quan hệ của anh chàng với Sophia cũng có sự khác biệt. Cả hai vốn dĩ đã sắp cưới nhau, tuy nhiên khi lên phim thì họ đã chia tay từ khi còn ở Cairo. Điều này cũng khá hợp lý bởi chàng thám tử trẻ sẽ có được cái nhìn trung lập và bao quát hơn, thay vì đưa tình nhân ra khỏi diện nghi vấn ngay từ đầu.
Và cũng chính điều này đã khiến cho con người của Sophia được sửa sang đi một chút. Nàng mạnh mẽ, lạnh lùng và quyết đoán hơn.
Nét tính cách và sự xung đột của các thành viên được đẩy lên một cấp độ cao hơn, mang tính điện ảnh hơn. Trong nguyên tác, chỉ mình Brenda thực sự bị cô lập, tuy nhiên khi lên phim thì cả gia đình đều ganh ghét và nghi kị lẫn nhau, chẳng chừa một ai. Cảm giác như cái chết đối với bọn họ là hết sức bình thường vậy.
Mình khá bất ngờ khi thấy một vài người được miêu tả trong sách là hồ hởi như ông Roger hay trầm mặc như thằng nhóc Eustace lại trở nên cay nghiệt khi lên màn ảnh. Phân cảnh bữa tối với đầy đủ các thành viên cho thấy rõ điều đó. Những điều chỉnh này thực sự hiệu quả, đúng với cái chất của Ngôi Nhà Quái Dị.
Tạo hình của các nhân vật khá sát so với những gì mình tưởng tượng. Cặp nam nữ chính rất đẹp đôi và thể hiện khá tốt. Nhấn mạnh thêm lần nữa là Sophia xinh dã man luôn.
Tuy có ít nhiều sự thay đổi so với truyện gốc, các tình tiết được trình bày gấp gáp và cắt gọt sao cho cô đọng hơn nhưng gần như toàn bộ các nút thắt mang tính mấu chốt đều được giữ nguyên.