Đã bao giờ bạn cảm thấy giận dữ khi một kẻ nào đó tông phải bạn trên đường, sau đó còn buông những lời lẽ xúc phạm bạn hay chưa ? Điều này cũng dễ hiểu, nhưng tệ hơn, bạn lại dồn sự khó chịu đó cho người khác trong vô thức. Bài học diệu kỳ từ chiếc xe rác sẽ giúp bạn thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn này tưởng chừng như không thể giải quyết này.
Đầu tiên cần phải làm rõ : bạn có dễ bị tác động bởi cách hành xử của người khác không ? Liệu một tài xế taxi chạy ẩu, người phục vụ bàn thô lỗ, ông sếp nóng này hay anh bạn đồng nghiệp vô ý có phá hỏng một ngày đẹp trời của bạn không ? Nếu câu trả lời là có thì xin chúc mừng, bạn cũng giống phần lớn mọi người trên thế giới, trong đó có mình.
Đơn giản là vì chúng ta là con người, lúc vui vẻ lúc tức giận là chuyện hết sức bình thường, nhưng sẽ rất tai hại nếu chúng ta để những thứ đó tác động quá lớn đến cuộc sống của mình. Sự thật đau lòng là phần lớn những điều khiến chúng ta cáu gắt đều hết sức nhỏ nhặt và hoàn toàn không đáng để ta phải cáu, bạn cứ để ý mà xem.
Do vậy nên kỹ năng này không dễ để thực hành, chứ chưa nói đến vận dụng thành thạo. Nhưng nếu ta nghĩ thấu đáo hơn một chút thì : những kẻ đáng ghét nhiều vô kể, bài tập, công việc ồ ạt tới tấp, những chuyện đen đủi thì chả bao giờ buông tha cho ai cả… nếu chúng ta cứ mãi bận tâm về những điều này, thì sao có thể tận hưởng cuộc sống ?
Trong Bài học diệu kỳ từ chiếc xe rác, tác giả mang đến cho bạn những bài học khác nhau về “sự khó chịu”, hay còn gọi là “rác”, và những người chứa đựng sự khó chịu là những “chiếc xe rác”.
Qua từng chương sách, bạn sẽ lần lượt học cách không hứng “rác” của người khác, không tự biến mình thành “xe rác” và giúp đỡ những người trong gia đình hay đồng nghiệp không bị rơi vào tình cảnh tương tự.
Cuốn sách này rất mỏng, cũng dễ hiểu bởi không có quá nhiều thứ để khai thác ở đề tài này. Điều này có lợi cho những ai có thói quen đọc một cuốn nhiều lần.
Tuy nhiên, bạn không nên quá trông chờ vào một cuốn sách có khả năng thay đổi tính cách con người trong ngày một ngày hai. Điều này là bất khả thi, đặc biệt là nếu bạn ở trong hoàn cảnh phải thường xuyên gặp những người có sở trường và sở thích chọc tức người khác.
Theo quan điểm của mình thì chúng ta chỉ có thể hạn chế việc tức giận, đặc biệt là trước những điều nhỏ nhặt chứ không thể loại bỏ hoàn toàn cảm xúc này.
Hy vọng Bài học diệu kỳ từ chiếc xe rác sẽ giúp bạn trút bỏ được đống “rác” trong tâm trí mình. Mình gợi ý cho bạn một cuốn khá hay là Bí quyết đơn giản hóa cuộc sống.