Một câu chuyện thẫm đẫm tình cha con bất chấp không thời gian, chỉ thông qua một cái radio. Frequency sở hữu một cốt truyện sáng tạo, diễn biến phim rõ ràng mạch lạc với nhiều cao trào, đủ khiến người xem bị cuốn vào cuộc hành trình của nhân vật.
Phim mở đầu bằng cảnh tượng những chiếc xe cứu hỏa đang dập tắt đám cháy lớn, một người lính cứu hỏa đã thoát chết trong gang tấc. Đó là Frank Sullivan, trụ cột của một gia đình nhỏ gồm ba thành viên. Cuộc sống của họ thật hạnh phúc qua những thước phim ngắn ngủi.
Trong phút chốc, Frequency chuyển cảnh sang một thời điểm nào đó. Vẫn là căn nhà nhỏ của gia đình nọ, nhưng không thấy gia đình đó đâu, chỉ có một chàng trai và một cô gái.
Chàng trai đó là John Sullivan, cậu con trai bé bỏng của Frank năm nào giờ đã là một người đàn ông trưởng thành. Cô gái kia là Samantha, người yêu John. Và có vẻ như họ đang có xích mích.
Anh chàng ra ngoài sân bóng, rít một hơi thuốc dài, nhìn ngắm những dải cực quang đang tỏa sáng trong đêm tối. Sau đó, John trở về nhà thì bắt gặp Gordo qua chơi, người bạn thuở ấu thơ của anh giờ đã được làm bố.
Cậu con trai của Gordo sau khi lục lọi linh tinh thì tìm được một cái hộp các tông, bên trong có cái đài cổ của bố John. Bố con nhà Gordo ra về không lâu sau đó, chỉ còn John một mình trong căn nhà.
Giọng nói của một người đàn ông lạ mặt cất lên từ phía chiếc đài tưởng chừng như đã ngừng hoạt động, và…
Nội dung phim
Nếu bạn từng theo dõi những bài viết trước đây của mình, bạn sẽ hiểu vì sao mình lại đánh giá cao Frequency, đó là câu chuyện diễn ra tại hai thời điểm, hai không gian khác nhau nhưng lại có sự giao cắt vào một khoảnh khắc nào đó.
Dù là phim khoa học viễn tưởng hay chỉ là một bộ phim bình thường với cách bài trí hại não thì bạn vẫn có thể bắt gặp điều này ở một vài cái tên đình đám như Memento, Interstellar, The Prestige hay thậm chí là Gone Girl.
Cách sắp xếp kiểu này luôn phát huy hiệu quả khi tạo được sự kịch tính cho người xem bởi bạn sẽ không thể biết trước hai mảnh ghép sẽ gắn với nhau khi nào.
Không chỉ có cách dẫn dắt cuốn hút, Frequency còn có khá nhiều nhân tố ăn điểm khác. Đầu tiên phải kể đến các hiện tượng khoa học trong phim diễn ra khá hợp lý, ví dụ như khi Frank trong quá khứ vô tình gây ra một vết nứt trên cửa kính thì vết nứt đó cũng đồng thời xuất hiện tại thời điểm John ở tương lai.
Ý tưởng này đã biến Frequency trở thành bộ phim có hai cha con liên lạc với nhau theo một cách thức độc nhất vô nhị. Interstellar cũng từng sử dụng phương pháp này khi Cooper đánh tín hiệu cho cô con gái qua chồng sách, nhưng việc hai cha con đối thoại trực tiếp bất chấp không thời gian mà chỉ thông qua một cái radio cũ thì chỉ có Frequency.
Bộ phim này cũng sở hữu một điểm tương đồng dễ nhận thấy nữa với Interstellar, đó là tình cảm cha con dạt dào. Cả hai ông bố cũng đã cứu giúp đứa con của mình, chỉ khác là quy mô của Interstellar lớn hơn nhiều khi “người” được Cooper giải nguy không chỉ có cô con gái mà là toàn nhân loại.
Với rất nhiều những ưu điểm nêu trên, dù không sở hữu một dàn sao đình đám hay hình ảnh kỹ xảo đẹp mắt nhưng Frequency vẫn là một bộ phim đáng xem đối với mình. Phân cảnh mà có lẽ mình sẽ không bao giờ quên là ở cuối phim, khi mà tên sát nhân tồn tại ở hai phiên bản già-trẻ đang đe dọa đến tính mạng của cả hai cha con.
Cuối cùng thì hắn bị Frank bắn cụt tay trong quá khứ và cũng chính ông sau đó đã kết liễu tên sát nhân ở thời điểm hiện tại. Đầy kịch tính và sau cùng là sự vui sướng tột cùng khi hai cha con được đoàn tụ.