Fury – bộ phim chiến tranh được xếp vào hàng khá của thể loại này, với một cốt truyện có chiều sâu để lại nhiều cảm xúc cho khán giả.
Phim quy tụ dàn anh tài toàn gương mặt thân quen: Brad Pitt, Logan Lerman, Jon Bernthal, Shia Labeouf, Michael Pena,… Một đội hình khá chuẩn bài.
Lấy bối cảnh thế chiến thứ hai trong những ngày mà thất bại của Hitler chỉ còn là vấn đề thời gian, tác phẩm bắt đầu bằng sự trở về của Fury, cỗ xe tăng của quân đội Mỹ do Don Collider điều khiển cùng với ba người anh em khác. Ai nấy đều bệ rạc và kiệt quệ bởi cuộc chiến. Đúng lúc này, Norman – một tân binh trẻ tuổi được bổ nhiệm gia nhập vào team Fury.
Giữa một rừng toàn các hào kiệt ai nấy đều dạn dày kinh nghiệm trận mạc, hằn in dấu vết chiến tranh lại xuất hiện một tân binh mặt mũi thư sinh chưa cầm súng bao giờ. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã đủ tạo nên một cuộc hành trình nghiệt ngã nhưng cũng không kém phần thú vị.
Nội dung phim
Để mang ra so sánh với những bộ phim về chiến tranh khác như Hacksaw Ridge hay Saving Private Ryan thì Fury mang tới một vài nét rất riêng. Điểm dễ thấy nhất nằm ở ngay ý tưởng chủ đạo của nó: năm anh em trên một “chiếng” xe tăng. Năm con người với năm tính cách khác nhau bị nhét chung vào một cái lô cốt di động.
Một Grady bỗ bã khó chịu, một Gordo vui vẻ tục tĩu, một Bible với niềm tin tôn giáo mãnh liệt. Nhưng nổi bật lên trên tất cả lại là hai “cha con”.
Collider – con sói già lão luyện, luôn tìm cách giáo huấn và buộc Norman phải đối diện với thực tại khắc nghiệt. Việc chứng kiến quá nhiều đồng đội ngã xuống dường như đã biến anh thành con người như vậy. Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài xù xì đó vẫn là một trái tim ấm áp và biết đâu là điểm dừng. Điều mà Collider làm tại ngôi nhà của cô gái người Đức thực sự cho thấy rõ con người anh.
Trong khi đó, Norman, ngày trước là Percy Jackson, chàng trai trẻ khô ráo, sạch sẽ và chưa từng nếm mùi đau khổ, dần chuyển mình rõ rệt khi lún sâu vào cuộc chiến. Cái chết của Emma là nguyên nhân lớn cho điều này. Đơn giản đó là chiến tranh, con người ta có thể sang thế giới bên kia bất cứ lúc nào.
Sự xuất hiện của một ngôi nhà nhỏ, anh đàn và em hát, như một niềm hy vọng nhỏ nhoi được thắp lên giữa cuộc chiến khốc liệt. Và nó đã bị dập tắt gần như ngay sau đó.
Fury có nhiều phân cảnh đáng nhớ, và với mình là khi Collider trúng phát súng định mệnh. Anh chui vào buồng lái, ôm lấy xác Bible và biết rằng mình cũng không còn nhiều thời gian. Người cha già xin lỗi vì không thể đi cùng cậu con trai đến cuối con đường, và khuyên cậu hãy lẩn trốn, đừng nghĩ đến chuyện nộp mạng cho kẻ thù.
Kết thúc phim được xem là hợp lý bởi nếu Norman mà ra đi nốt thì lại tăm tối quá. Duy chỉ có một điều dù sống hay chết cũng không thay đổi được, đó là người được cứu ra khỏi chiếc xe tăng đó đã không còn là chàng trai lúc mới bước vào nữa.
Phần diễn xuất của phim cũng là điểm nhấn đáng chú ý. Kèo này khá cân bởi ông nào ông nấy đều có đất diễn và hoàn thành tốt vai trò của mình. Brad Pitt vẫn là cái tên yêu thích đối với mình và đây cũng là lần thứ hai anh tham gia vào một tác phẩm chiến tranh, trước đó là Inglourious Basterds.
Bên cạnh yếu tố nội dung, cũng như nhiều tựa phim chiến tranh khác, Fury khá tốt ở phần âm thanh và hình ảnh, dù rằng nó chưa được hoành tráng như bom tấn 1917 hay Dunkirk.