Gone Girl là một trong số ít những bộ phim hội tụ đủ các yếu tố cấu thành nên một tác phẩm cuốn hút người xem cho đến phút cuối cùng. Bạn sẽ không thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, tất nhiên là trừ khi bạn đã đọc trước nội dung ở đâu đó.
Phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Gillian Flynn và cô cũng chính là người đã viết kịch bản cho bộ phim này.
Đạo diễn của phim – David Fincher sở hữu hàng loạt những tác phẩm nổi tiếng bởi sự hấp dẫn và kịch tính từ đầu đến cuối như Fight Club, Seven, Zodiac hay The Game. Đa phần đều là những tác phẩm li kỳ bí ẩn mang màu sắc đen tối.
Vào buổi sáng ngày kỷ niệm 5 năm kết hôn, Amy – người vợ của Nick Dunne đột ngột biến mất. Một cuộc truy tìm “Amazing” Amy với quy mô cực lớn được diễn ra, cả chồng và bố mẹ Amy đều nỗ lực hỗ trợ cảnh sát trong cuộc truy tìm người vợ/con của họ.
Thế nhưng, tất cả những bằng chứng được ghi nhận tại hiện trường đều cho thấy Nick là kẻ đã giết vợ mình. Người chồng tìm đủ cách minh oan cho chính mình, với sự giúp đỡ của cô em gái song sinh Margo.
Bộ phim kể hai câu chuyện đan xen nhau. Câu chuyện thứ nhất là cuộc hành trình tìm kiếm Amy của gia đình cô với sự giúp sức của cảnh sát; câu chuyện thứ hai được được thể hiện theo dạng tự sự với người kể chuyện là Amy, bắt đầu bằng hình ảnh cô viết nhật ký về những ngày đầu gặp Nick, rồi kết hôn với anh, và sau đó là một cuộc hôn nhân không hạnh phúc.
Liệu Nick có phải kẻ đã sát hại vợ mình? Nếu không thì chân tướng của vụ việc này là gì?
Nội dung phim
Ben Affleck thể hiện tuyệt vời diễn biến tâm lý người chồng. Từ một kẻ được cho là ăn hại, vũ phu, dối trá và ngoại tình cho đến một người chồng đáng thương, tội nghiệp, thậm chí có phần ngu ngơ.
Anh ta như một con rối khi bị chính người vợ của mình dắt mũi, cài cắm và dàn xếp tất cả mọi để biến anh thành một kẻ sát nhân. Một người đàn ông bất hạnh trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc.
Rosamund Pike xứng đáng giành một tượng vàng hơn là chỉ có một đề cử cho vai diễn này bởi màn trình diễn của cô là quá xuất sắc. Ban đầu Amy là một cô gái nhẹ nhàng, đáng yêu, vô cùng hoàn hảo, dần bị chìm vào một cuộc hôn nhân mà cô đóng vai trò là nạn nhân, bị gã chồng vũ phu sử dụng như một công cụ tình dục, đánh đập, với đỉnh điểm là cảnh cô bị Nick đẩy đập đầu vào cầu thang.
Dần dần, qua nửa sau của bộ phim, Amy dần bộc lộ mình là một kẻ bệnh hoạn khi thực hiện một kế hoạch không tưởng nhằm dồn Nick đến đường cùng. Amy qua nửa sau của bộ phim thể hiện rõ bản chất nham hiểm, nội tâm phức tạp, khó đoán và vấn đề là cô ta còn cực kỳ thông minh. Vẻ ngoài của Rosamund cực kỳ thích hợp cho vai diễn, cô xinh đẹp một cách hiền thục nhưng vẫn thể hiện được sự sắc sảo, lạnh lùng.
Về nội dung, lúc mới xem mình còn tưởng đây là một Memento phiên bản hai bởi sự xuất hiện bất ngờ của một câu chuyện đan xen với mạch truyện chính, hơn nữa lại còn được kể theo dạng nhật ký của Amy. Cho đến khi mà câu chuyện này kết thúc ở ngay đoạn giữa phim, mọi thứ mới được hé lộ. Tất cả chỉ là âm mưu của Amy, cô ta sắp đặt nên một câu chuyện không tưởng về cuộc hôn nhân của mình.
Từ việc nhỏ nhặt như kết thân với mấy bà hàng xóm nhằm gây dựng hình ảnh một người vợ ngoan hiền, mua một đống đồ bằng thẻ tín dụng của chồng để tạo ra những khoản nợ cho đến những việc hiếm ai nghĩ được ra như lấy nước tiểu của một bà bầu, tạo dựng hiện trường giả và đỉnh điểm là viết cuốn nhật ký nằm trong trí tưởng tượng của Amy đã góp phần không nhỏ trong việc dắt mũi không chỉ khán giả mà còn cả một đống cảnh sát nữa.
Tất cả đều được tính toán vô cùng kỹ lưỡng và chỉn chu, có lẽ bậc thầy về những cái bẫy như Jigsaw cũng phải bái làm sư phụ. Thế nhưng, kế hoạch của cô vẫn có một sơ suất, đó là sự xuất hiện của một cặp đôi mất dạy ở khu nghỉ dưỡng, những kẻ đã lấy đi số tiền mà Amy định dành để sử dụng trong những ngày “mất tích”.
Điều này đã vô tình làm kế hoạch có đôi chút thay đổi, nhưng cái thay đổi nho nhỏ này đã góp phần tạo nên một cái chết kinh dị của một thanh niên đen đủi ở gần cuối phim. Chuyện là việc bị cướp sạch tiền đã buộc cô phải gặp Desi – kẻ đã theo đuổi cô suốt bao năm, nhằm kiếm một chỗ để nương thân trong thời gian “mất tích”.
Tất nhiên là Amy tiếp tục tạo nên một câu chuyện dối trá để lừa thanh niên này, kết quả là anh ta tin và để cô sống trong căn biệt thự của mình. Sau khi xem bản tin về Nick cùng những biểu lộ hối lỗi và kêu gọi vợ trở về của anh ta, Amy quyết định rằng cô sẽ quay về bên Nick, và tất nhiên là phải có một câu chuyện đáng tin cho sự xuất hiện từ trên trời rơi xuống này.
Lại một kế hoạch mới được tạo ra, nhưng cái này kinh tởm và bệnh hoạn hơn rất nhiều: Amy muốn giết Desi và dồn toàn bộ tội lỗi cho anh chàng đáng thương này. Chỉ với những cái camera trong nhà và một chai bia cô ta đã hoàn thành cái kế hoạch dã man của mình. Một thanh niên xấu số đã ra đi và để lại dòng máu của mình cho một gã tội nghiệp khác nuôi.
Buổi sáng ngày thứ 30 mất tích cũng chính là ngày cô ta trở về và viết tiếp cơn ác mộng trên phần đời còn lại của Nick. Anh chồng tội nghiệp sau khi nhìn thấy cô vợ khốn nạn không thể làm điều gì khác ngoài chửi thề và tiếp tục vai diễn bất đắc dĩ trong một màn kịch mà chính anh là một nạn nhân.
Phần việc còn lại của Amy khá đơn giản và nhẹ nhàng so với tầm cỡ của cô: phủ nhận mọi tội lỗi của chồng mình bằng cách vừa đấm vừa xoa, đổ mọi tội lên đầu Desi và nhanh chóng đưa vụ án đã lên đến tầm quốc gia chìm vào quên lãng.
Về phần Nick, anh cũng không thể làm gì hơn bởi sau màn khóc lóc van xin người vợ trở về nhằm chứng minh sự vô tội của mình, giờ đây Amy đã trở về và nếu anh có một động thái muốn bỏ rơi Amy, cô ta hoàn có thể tạo thêm những chứng cớ giả mạo bằng cái đầu dị nhân của mình nhằm đẩy Nick vào cảnh bóc lịch. Mọi nghi vấn về Nick giờ đây được xóa sạch, anh sẽ không bị đi tù nhưng phải sống một cuộc sống kinh khủng không kém trong tù cho đến hết phần đời còn lại.
Vậy là sau khi tốn một cơ man tiền của vào việc thuê luật sư, chịu một đống áp lực từ dư luận, ngay cả em gái Nick cũng bị lôi vào vòng lao lý, anh cũng có được cuộc sống “bình yên”.
Sau cùng, chỉ có đúng 5 người biết chân tướng của câu chuyện điên rồ này, ngoài vợ chồng Nick ra thì còn có cô em gái song sinh Margo, tay luật sư Tanner và thám tử Rhonda. Ngay cả bố mẹ Amy cũng không hề biết những điều cô ta gây ra, họ vẫn luôn hết lòng tin tưởng cô con gái “hoàn hảo” của mình.
Về mặt hình ảnh, David Fincher đưa gam màu tối tăm, u ám vào hầu hết các tác phầm của ông, tất nhiên Gone Girl không phải ngoại lệ. Điều này cực kỳ phù hợp với bối cảnh phim và cái tiền đồ của Nick.
Một trong những tình huống đáng chú nhất phim tất nhiên chính là cảnh Amy tự sự lại quá trình dàn dựng và sắp đặt tất cả mọi thứ nhằm đẩy Nick đến đường cùng, cảm xúc của hầu hết mọi khán giả lúc này chính là ngỡ ngàng vì bị lừa bởi chính nhân vật mà mình thương hại.
Tình huống cao trào tiếp theo là khi Amy trở về với bộ phần áo bê bết máu, khi nhìn thấy cảnh tượng hãi hùng này Nick đã nhận ra toàn bộ kế hoạch man rợ của người vợ thân yêu. Đây cũng chính là cảnh gây ức chế nhất phim, bởi tất cả nhà báo, người dân xung quanh thì nhìn chăm chú như một lũ dở hơi, trong khi đó cảm xúc của người chồng tội nghiệp thì…
Có một phân cảnh gần cuối phim, khi mà bà MC đến nhà Nick để phỏng vấn hai vợ chồng, Nick đã tỏ rõ thái độ bực tức khi con mụ này buộc tội anh giết vợ, thậm chí còn miệt thị mối quan hệ giữa anh và cô em gái công khai trên TV. Mình cảm tưởng như Nick có thể sẽ đấm vào mặt bà ta nếu không phải tiếp tục cố gắng diễn một vở kịch dối trá.
Gone Girl kết thúc bằng chính hình ảnh và cả câu nói của Nick y như cảnh đầu phim, nhưng có cái gì đó không đúng lắm.