Một tác phẩm gai góc về đề tài hôn nhân đang rất được yêu thích trong thời gian gần đây, nhưng không phải kiểu giật gân hay sát phạt lẫn nhau như Gone Girl, mà nhẹ nhàng và đời thường hơn – Marriage Story.
Phim mở màn bằng việc hai vợ chồng miêu tả về nửa kia của mình, một cách trìu mến và đầy âu yếm, tỉ dụ như việc Nicole biết mở cái nắp lọ dưa chuột còn Charlie thì không bao giờ nằm chung giường với con chẳng hạn. Nicole là một diễn viên đang lên, còn Charlie là một đạo diễn sân khấu kịch tài năng.
Nhưng đáng tiếc, khoảng thời gian hạnh phúc chỉ chiếm có vài phút đầu phim. Trên thực tế, tình cảm của cặp đôi đã rạn nứt nghiêm trọng và họ buộc phải đưa nhau ra tòa.
Nicole cho rằng Charlie quá vô tâm và chỉ biết nghĩ đến công việc, đã thế trước kia anh ta còn cản trở sự nghiệp của cô. Trong khi đó, Charlie thực tế không hề có ý định ly dị. Vừa phải miệt mài cày quốc, vừa phải đảm bảo kinh tế nuôi sống gia đình lẫn đoàn kịch khiến anh không khỏi lao tâm khổ tứ.
Việc Nicole đột ngột đòi cắt đứt và mang con về nhà ngoại tại Los Angeles, trong khi cả hai trước đó sống tại New York khiến Charlie càng thêm phần khốn đốn, khi mà hầu bao của anh đã không dư giả gì mà còn phải chứng tỏ cho tòa án thấy mình hoàn toàn đủ khả năng nuôi con, nếu vị đạo diễn còn muốn gặp lại cậu nhóc Henry.
Phim có rất nhiều lời thoại và gần như không có cao trào. Nếu bạn cần một tác phẩm gấp gáp và drama thì đừng nên xem Marriage Story, sẽ cảm thấy cực kỳ buồn ngủ và nhàm chán. Còn nếu bạn muốn thử cảm giác sống chậm và đắm chìm trong một cốt truyện mang đậm tính trải nghiệm thì nên xem bộ phim này.
Nội dung phim
Bằng một sự khởi đầu hài hước nhẹ nhàng, Marriage Story đã thành công trong việc khơi gợi sự tò mò của khán giả về những gì sắp sửa diễn ra.
Những tình huống gây cười sau đó tiếp tục được đan cài một cách khéo léo và phần lớn đều đến từ sự lóng ngóng của Charlie, trong vai trò một ông bố đang cố gắng làm tròn bổn phận của mình. Một vài pha bỏ nhỏ như vậy là cực kỳ quan trọng đối với một bộ phim gần như không có cao trào.
Phần cốt truyện diễn ra đời thường và ít drama, chủ yếu xoay quanh việc hai nhân vật chính đã phải vất vả như thế nào để có thể vừa thoát khỏi sự bế tắc trong quá trình ly dị, vừa phải đảm bảo không ảnh hưởng tới con cái.
Một điểm đáng chú ý của phim chính là thực sự rất khó phân định xem ai đúng ai sai trong câu chuyện này. Cả hai đều có những lý lẽ rất thuyết phục về nguyên nhân họ cảm thấy chán ghét đối phương.
Bên cạnh đó, qua tác phẩm này khán giả cũng có thể thấy được luật pháp ở Mỹ rõ ràng và minh bạch thế nào. Ngành luật ở đây thực sự rất phát triển và các thầy cãi có thể hốt bạc nhờ vào tài năng của mình. Bạn có thể xem thử The Judge của Robert Downey Jr. để biết thêm thông tin chi tiết.
Về phần diễn viên, đây cũng chính là điểm sáng rực rỡ và tạo nên sự khác biệt của Câu Chuyện Hôn Nhân so với các đối thủ còn lại. 2019 quả thực là một năm bội thu của Scarlett Johansson khi mà cô vừa tham gia vào bom tấn ăn khách nhất mọi thời đại Avengers: Endgame (sắp tới còn có phim riêng nữa), vừa nhận được tới hai đề cử Oscar cho cả nữ chính và nữ phụ.
Với Marriage Story, Scarlett đã có một màn lột xác ngoạn mục khi thể hiện đủ mọi sắc thái của một người vợ đã quá ngán ngẩm với cuộc hôn nhân của mình nhưng vẫn phải cố kìm nén.
Tuy nhiên, người thực sự để lại ấn tượng mạnh mẽ hơn trong Marriage Story lại là Adam Driver.
Thú thật, trước khi xem phim mình còn tự hỏi ông này là ai. Và mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn sau khi xem xong.
Anh nhập vai một cách hoàn hảo và nếu không có sự xuất hiện của Joaquin Phoenix năm nay thì chắc chắn Adam sẽ thắng Oscar. Mọi thứ mà ông này thể hiện trong phim đều toát ra một cách hết sức tự nhiên và càng về cuối càng bùng nổ hơn.