Mindscape là một bộ phim hấp dẫn, có khá nhiều điểm tương đồng với Inception khi mà cả hai tác phẩm này đều lấy tiềm thức làm ý tưởng chủ đạo. Tuy nhiên xét về độ mọi mặt thì chắc chắn Inception vượt trội hơn hẳn bởi những gì mà nó đã thể hiện là hoàn toàn thuyết phục.
Mindscape là tên một quy trình gồm có hai người tham gia: một người được gọi là memory detective – thám tử ký ức, đòng vai trò là người quan sát, người còn lại là người bị xâm nhập vào ký ức.
Nhiệm vụ của quy trình này là nhằm đưa thám tử ký ức vào tiềm thức của một người để điều tra những sự việc xảy ra trong quá khứ. Mindscape cũng đồng thời cũng là tên của tổ chức sử dụng phương pháp này.
John – một thám tử ký ức của Mindscape nhận được một nhiệm vụ có vẻ khá đơn giản và chóng vánh, đó là giúp một bé gái đang tuyệt thực trở lại ăn uống bình thường. Sau một chút lưỡng lự, John cũng đồng ý bởi anh đang rất cần tiền.
Cô bé đó tên Anna, có vẻ ngoài vô cùng xinh đẹp, thông minh tuy nhiên hành động có gì đó kỳ dị. Cha dượng của Anna rất muốn đưa cô bé vào viện tâm thần.
Sau nhiều lần thâm nhập vào ký ức của Anna, John phát hiện ra có rất nhiều bí ẩn trong quá khứ của cô bé. Những bí ẩn đó là gì? Rốt cục Anna có bị tâm thần không?
Nội dung phim
Đây là một bộ phim đáng xem nếu bạn yêu thích thể loại trinh thám. Mặc dù mình rất thích bộ phim này tuy nhiên nó không được nhiều người đánh giá cao, với nguyên nhân phần lớn là do kịch bản còn tồn tại khá nhiều lỗ hổng.
Cái lỗ to nhất phải kể đến là sự xuất hiện nhân vật Peter – một mindscaper khác, đồng nghiệp của John. Cần phải nói thêm một chút, theo như những gì mà bộ phim truyền tải thì toàn bộ những diễn biến xảy ra trong phim đều là tiềm thức của John, điều này đã được giải thích ở cuối phim.
Thế nhưng lý thuyết về mindscape là: chủ thể của ký ức sẽ không thể nào nhìn thấy người quan sát, chỉ có thể nghe được giọng nói, vậy nên không thể nào có chuyện John thấy Peter ở trong tiềm thức của anh. Thế nhưng bạn có thể thấy cái bóng của Peter xuất hiện rất nhiều lần.
Mọi thứ chưa dừng lại ở đó, sự thật Peter đã không còn là một người quan sát nữa, thay vào đó sự xuất hiện của ông ta đã can thiệp trực tiếp vào diễn biến của bộ phim. Bạn có thể thấy cái bóng thoắt ẩn thoắt hiện đã khiến cách hành xử của John bị sai lệch đi rất nhiều so với câu chuyện thực sự đã xảy ra trong quá khứ.
Tình tiết vô lý đến khó tin này xảy ra do nhà làm phim đã quá tham lam khi muốn tạo nên một điều kỳ bí để tăng sự kịch tính cho bộ phim, tuy nhiên nó lại phản tác dụng. Đến cuối phim bạn cũng có thể thấy mặc dù những cái bóng xuất hiện rất nhiều, thế nhưng lại chả có con ma nào ở đây cả.
Tình tiết vô lý tiếp theo là về Mousey, như bạn đã biết thì cô gái này trong tiềm thức của Anna mang tên Mousey tuy nhiên khuôn mặt lại là của một cô gái khác, điều này là do Anna đã bóp méo ký ức hòng đánh lừa John.
Trong tiềm thức của Anna, Mousey là người đã đầu độc 3 cô bạn cùng lớp. Vấn đề nằm ở chỗ, có thực sự Mousey đã làm điều này? liệu có phải Anna đã làm? đến khi kết thúc phim thì điều này vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Điều khó hiểu cuối cùng là vì sao mà Anna biết được rằng nước có thể khơi gợi lại ký ức đau buồn của John về người vợ, dù Peter đã nói “bằng một cách nào đó” mà Anna đã biết được điều này nhưng lời giải thích chưa thật sự thỏa đáng.
Nghe qua thì có thể thấy bộ phim này chỉ toàn sạn, tuy nhiên nếu bỏ qua những yếu tố bên trên thì Mindscape là một tác phẩm hấp dẫn. Điểm nổi trội nhất của bộ phim này chính là nó tạo được nhiều điểm nhấn và quan trọng hơn là dàn trải một cách hài hòa trong suốt thời lượng phim.
Mình đặc biệt ấn tượng với cái cách mà Anna gài bẫy John, tất cả đều hợp lý và cực kỳ logic, đúng là nghệ thuật sắp đặt. Thật không thể tin nổi một cô gái trẻ lại có thể làm được những điều khó tin như vậy.