Top 5 cuốn sách hay nhất của Nguyễn Nhật Ánh chắc chắn phải có cái tên Ngồi Khóc Trên Cây, với nhiều nét đặc sắc hiếm hoi mà thậm chí những Mắt Biếc hay Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh còn có phần kém cạnh.
Lại là một câu chuyện về tình cảm đôi lứa, với khung cảnh đồng quê thân thuộc, những thú vui giản dị của tuổi thơ được dẫn dắt bằng một giọng văn trôi chảy hài hước, tuy nhiên chắc chắn bạn vẫn sẽ có được một trải nghiệm khó quên cùng cuốn sách này.
Nội dung truyện xoay quanh Đông, một sinh viên đại học về quê chơi sau những tháng ngày cặm cụi đèn sách. Tại đây, anh gặp gỡ Rùa, cô bé dễ thương nhà hàng xóm, lớn lên với thân phận và hoàn cảnh đặc biệt.
Tiếp xúc lâu ngày, tình cảm của cả hai lớn dần, nhưng số phận thì vốn chẳng bao giờ êm đềm.
Chi tiết sách
Có khá nhiều điểm thực sự đột phá và khác biệt ở tác phẩm này so với các đầu sách nổi tiếng khác của Nguyễn Nhật Ánh.
Điểm đầu tiên phải kể đến là cấu tứ truyện có tính liền mạch cao. Nếu Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh được tập hợp lại từ nhiều mảnh ghép nhỏ thì Ngồi Khóc Trên Cây lại là một khối hoàn chỉnh từ đầu đến cuối. Mỗi quyển đều mang tới một niềm vui riêng nhưng nếu bạn đã quen với việc đọc tiểu thuyết thì có lẽ quyển sau sẽ làm bạn hứng thú hơn.
Điểm thứ hai là nội dung truyện buồn hơn. Tính đến thời điểm hiện tại, ngoài Mắt Biếc ra thì đây là quyển truyện buồn nhất mà mình từng đọc của bác Ánh. Mà đối với Mắt Biếc thì dùng từ “thê thảm” có lẽ sẽ chính xác hơn, trong khi đó Ngồi Khóc Trên Cây lại là một nỗi buồn man mác trải dài xuyên suốt thời lượng sách.
Điểm thứ ba đã quá rõ ràng, đến từ nhân vật chính của truyện – Đông. Một người chững trạc, nhẹ nhàng, biết cư xử với con gái hơn, không còn cách xưng hô “mày tao” quen thuộc của những Ngạn, Thư hay Khoa và đặc biệt hơn cả, sự nhút nhát khi đứng trước người mình thích gần như biến mất.
Anh trai này quả thực là một cuộc cách mạng trong sự nghiệp cầm bút của nhà văn đến từ Quảng Nam.
Điểm thứ tư làm nên sự thú vị riêng cho tác phẩm, đó là kết thúc truyện, một điểm khiến mình buộc phải bàn tới nếu để so sánh với những cái kết trước đây.
Thật khó tránh được việc xuất hiện hai luồng ý kiến trái chiều khi đứng trước cái kết mơ hồ này: một là Đông bị ảo giác và hai là Rùa thực sự còn sống.
Mỗi cái kết đều đặt trên những lý lẽ riêng. Còn nhớ lúc ở bên ngoài hang, Đông không thể xác định được vị trí thác nước và thừa nhận tai anh không thính bằng Thục, thế nhưng khi tiếng hát của Rùa cất lên thì lại chỉ có mình Đông nghe thấy. Đó lập luận cho giả thuyết đầu tiên.
Với giả thuyết thứ hai, về lần đầu Rùa dẫn Đông vào rừng, đàn thú ùa ra rất nhiều, trong khi lần thứ hai Đông cùng Thục và bé Loan tới thì lại chẳng có con nào. Đã vậy, phường săn bắn vốn dĩ đã bỏ nghề nên động vật phải đông hơn mới phải.
Chi tiết này có thể hiểu là do cô chủ của đám thú đã ở phía bên kia thác nước nên chúng cũng sơ tán qua đó rồi. Lập luận của giả thuyết thứ hai cũng rất hợp lý.
Để mà vặn vẹo kiểu logic thế này thì có mà đến mùa quýt, thế nên bản thân mình vẫn cho rằng Rùa còn sống. Chắc chắn là như vậy.
Ngồi Khóc Trên Cây vốn là một câu chuyện của niềm hy vọng. Cứ mỗi lần ngọn nến bị dập tắt thì chỉ ít lâu sau, nó lại được thắp lên.
Đông tưởng Rùa là em họ mình, cuối cùng lại chẳng chút máu mủ. Đông bị chẩn đoán ung thư, nhưng hóa ra là sai lầm của bác sĩ. Bố Rùa tưởng có tội, thực chất lại là anh hùng. Và trong lần cuối cùng này, cũng chẳng phải ngoại lệ.
Cảm xúc là vô cùng hỗn độn sau khi trải qua biết bao thăng trầm tưởng chừng như không thể vượt qua, thêm vào đó còn là việc tác giả muốn tái hiện lại hình ảnh Rùa ngồi khóc trên cây trước đó nên việc Đông rơi nước mắt là điều hoàn toàn có thể hiểu.