Nói một cách ngắn gọn thì REC (2007) – Góc Quay Đẫm Máu là bộ phim chất lượng nhất về xác sống mà bạn có thể được thưởng thức, đồng thời cũng là một trong những tác phẩm kinh dị xuất sắc nhất mọi thời đại.
Được trình bày dưới thể thức giả tư liệu, tức là mọi thứ mà bạn nhìn thấy đều thông qua một cái máy quay cầm tay. Vì lẽ đó mà bạn sẽ được tận hưởng cảm giác rung lắc, góc nhìn bó hẹp, sống động và chân thực hệt như mình là người trong cuộc vậy.
Nhưng cũng chính vì điều này mà khán giả có thể sẽ thấy khó chịu một chút bởi những phân đoạn gấp gáp thì cái camera sẽ xoay tít thò lò cả lên, rất dễ gây chóng mặt đau đầu.
Bạn sẽ được theo chân Angela Vidal, nữ phóng viên xinh xắn nhí nhảnh của bản tin lúc nửa đêm đến thăm quan một cơ sở phòng cháy chữa cháy, tìm hiểu về cuộc sống của những người lính cứu hỏa khi cả thành phố đã chìm vào giấc ngủ.
Bên cạnh Angela còn có một cộng sự của cô, cũng chính là người cầm chiếc máy quay ghi lại mọi diễn biến của vụ việc.
Trong lúc đang chuyện ghi hình, họ nhận được báo động về một vụ lộn xộn xảy ra tại một tòa chung cư. Angela cùng những người lính nhanh chóng di chuyển đến hiện trường.
Khi đến nơi, những người trong khu nhà đang bàn tán về tiếng thét phát ra từ căn hộ của một bà lão. Sau khi phá cửa xông vào, trước mắt họ là một thân hình béo mập, mái tóc xõa sượi phát ra tiếng gầm gừ trong cổ họng.
Bất ngờ, người phụ nữ tấn công một viên cảnh sát. Máu tươi bắt đầu phun ra từ cổ ông ta. Khung cảnh trở nên thật náo loạn và bạn biết chuyện gì sắp xảy ra rồi đấy.
Điều tệ hại hơn cả là khi xuống tới tầng trệt, họ phát hiện ra tòa nhà đã bị chặn cửa từ bên ngoài. Dù cho nhà chức trách bắc loa chống chế rằng “vì lý do an toàn” nhưng rõ ràng đã có một cuộc cách ly ngầm để hạn chế sự lây lan của mầm bệnh lạ.
Angela sẽ phải làm thế nào để thoát khỏi tòa nhà đang bị nhấn chìm trong sự chết chóc kia?
Nội dung phim
Giữa hằng hà sa số các tác phẩm nổi tiếng về xác sống như World War Z, 28 Days Later, 28 Weeks Later hay I Am Legend thì REC hoàn toàn khác biệt và tạo được dấu ấn đậm nét.
Làm được điều này ngoài những điểm đáng khen như diễn biến gấp rút, khoảng cách giữa những cái chết vừa đủ để tạo ra sự kịch tính thì phần lớn là nhờ cách truyền tải độc đáo dưới góc nhìn người thứ 3. Thêm vào đó, cảnh kết thúc phim, cái mà bạn đã nhìn-thấy-rồi-đấy, xứng đáng được xếp vào hàng ngũ kinh điển của dòng phim kinh dị.
Phân cảnh này gây ấn tượng mạnh đến nỗi trong Quarantine (2008) – phiên bản remake của REC do Mỹ sản xuất, nhà làm phim cũng đã bê nguyên xi vào.
Haizz, vậy là nữ chính đã không bao giờ có thể ngờ được rằng cái đêm định mệnh đó sẽ thay đổi cuộc đời cô vĩnh viễn.
Sau thành công vang dội của phần đầu, Góc Quay Đẫm Máu còn bị vắt sữa thêm ba phần phim nữa. Trong số đó, có phần hai là vẫn duy trì được phong độ. Phim lấy mốc thời gian ngay sau những sự kiện thảm khốc vừa xảy ra tại khu chung cư kia. Nếu phần một đã làm bạn cảm thấy thỏa mãn thì tìm tiếp phần hai mà xem nhé.
Ngoài lề một chút, theo như mình tìm hiểu được thì kiểu quay phim như vậy được sử dụng lần đầu tiên trong The Blair Witch Project, bộ phim về một nhóm sinh viên vào trong rừng bị phù thủy bắt mất. Phải công nhận đây là một phát kiến vĩ đại và dường như nó được sinh ra để dành cho phim kinh dị vậy.
Về sau này thì hình thức giả tư liệu còn được đẩy lên một tầm cao mới với Paranomal Activity, series phim kinh dị đình đám về hiện tượng siêu nhiên được “đưa đến khán giả” thông qua một đống camera gắn trong những căn nhà.