Giới thiệu sách
Bài viết thứ năm trong series review tiểu thuyết trinh thám của mình, lần này sẽ là Vụ Ám Sát Ông Roger Ackroyd – một trong những tuyệt phẩm của Agatha Christie có sự xuất hiện của vị thám tử bậc thầy Hercule Poirot.
Nhiều người hâm mộ nữ hoàng truyện trinh thám cho rằng vụ án này là xuất sắc nhất do bà tạo ra. Thực hư thế nào sẽ có ở review chi tiết trong phần bên dưới.
Cuốn sách mở đầu bằng dòng tựa “Tặng Punkie, người yêu thích những câu chuyện trinh thám đúng nghĩa, án mạng, điều tra và nghi ngờ đổ lên đầu hết người này đến người khác”. Không cần biết Punkie là ai nhưng cái vế đằng sau quả thực gợi lên rất nhiều điều, sự hấp dẫn và tò mò đã được nhen nhóm ngay từ những câu văn đầu tiên.
Ở làng King’s Abbot, vụ tự sát của bà góa Ferrars làm dấy lên nghi vấn rằng bà đã giết chồng, bị tống tiền và có mối quan hệ mờ ám với ông Roger – một người đàn ông góa vợ và nắm giữ một gia tài kếch xù.
Bi kịch chưa dừng lại ở đó khi mà ngay tối hôm sau, ông Roger bị sát hại dã man bằng một nhát dao chí mạng vào vùng cổ, ngay tại căn phòng làm việc của ông.
Danh sách nghi phạm là toàn bộ thành viên có mặt trong căn biệt thự ngày hôm đó. Và tất nhiên, ai nấy đều có trong tay những bằng chứng ngoại phạm của riêng mình, chỉ trừ một người.
Hercule Poirot bất đắc dĩ phải vào cuộc, dù đang trong thời gian nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Sát cánh cùng thám tử đồng thời đóng vai trò người tường thuật lại câu chuyện là bác sĩ Sheppard, bạn tâm giao của nạn nhân.
Review sách
Có khá nhiều điểm đặc sắc ở cuốn tiểu thuyết này, mình vừa mới đọc xong nó tối hôm qua và giờ đang không biết phải bắt đầu từ đâu đây. Có thể là sẽ hơi lan man một chút.
Vụ Ám Sát Ông Roger Ackroyd là một cuốn sách dày, chính xác là cuốn dày nhất trong số những cuốn phát hành tại Việt Nam của Agatha Christie. Tuy vậy mình gần như không thể bắt bẻ bất cứ điều gì về những tình tiết diễn ra trong đó, có rất ít sự thừa thãi mà đa phần trong số đó đều là suy nghĩ của người ghi chép. May mắn là ông này có khiếu hài hước chứ không thì chắc mình không dám đọc quyển này mất.
Hercule Poirot đã có một màn ra mắt hết sức khó đỡ. Khác với những câu chuyện lần trước, viên thám tử người Bỉ giờ đây đã quy về ở ẩn an hưởng tuổi già, trở thành một ông nông dân trồng bí. Tính cách của ông được khắc họa có khác biệt đôi chút so với mấy cuốn kia : một ông già hóm hỉnh tinh nghịch.
Cũng chính vì nghỉ hưu mà người ghi chép của Poirot – đại úy Athur Hasting đã không còn bên cạnh ông nữa. Thay vào đó, lần này ông thám tử người Bỉ có bạn đồng hành mới – bác sĩ James Sheppard. Được cái là Sheppard “nhiều muối” hơn ông kia nhiều, giọng văn trôi chảy, lôi kéo người đọc hơn và đây cũng chính là điểm mình rất thích ở cuốn này.
Vấn đề hóc búa nhất của vụ án lần này chính là mối quan hệ quá phức tạp giữa các nhân vật. Để nắm bắt được toàn bộ những cái tên từng xuất hiện có khi là phải vẽ ra cả một cái sơ đồ mất : bà góa chồng, ông góa vợ, em dâu, cháu gái, con trai của vợ, bạn lâu năm, thư ký, cô hầu bàn, cô quản gia,…còn nữa mà thôi chẳng kể đâu.
Dễ nhận ra là những con người này không giống một gia đình kiểu mẫu như trong Ngôi Nhà Quái Dị, thế nên là sẽ phải mất một khoản thời gian để người đọc tường tận ngóc ngách.
Bên cạnh đó các tình tiết thì quá sức kỳ dị, đến nỗi mà ngay cả hung thủ cũng phải thừa nhận rằng có những điểm hắn cũng không tài nào nắm bắt nổi. Một điều khá là dở khóc dở cười, kiểu như đi ăn trộm ở nhà dân thì chui nhầm vào một cái mê cung vậy.
Màn cao trào, hay còn gọi là phá án, là một điểm đã trở thành thương hiệu của nữ nhà văn đến từ Anh Quốc. Từ cái xác trên tàu tốc hành cho đến vụ ông Roger, cứ lúc nào đọc gần đến cuối là mình lại nóng hết cả mặt vì biết dù kết quả có ra sao thì nó cũng vô cùng khó tin, và lần cũng không phải ngoại lệ. Dư âm mà nó để lại còn ghê hơn cả vụ tàu Phương Đông, khi mà bạn nhận ra rằng…à mà thôi.
Câu văn chốt hạ của toàn bộ câu chuyện – bạn sẽ hiểu ra khi đọc tới đó – tạo cho mình một cảm giác thật hỗn độn, chẳng biết nên vui hay buồn nữa. Không thể tưởng tượng nổi là toàn bộ vụ án này sẽ còn thú vị đến cỡ nào nếu được dựng thành phim.
Còn gì nữa nhỉ ? À, tâm lý kẻ sát nhân trong vụ án lần này được phác họa rất tuyệt vời. Nếu bạn đã đọc hết cuốn này, hãy lượt lại một vài tình tiết có liên quan đến kẻ-giấu-mặt trước đó và bạn sẽ thấy nhân vật này tập hợp đầy đủ phẩm chất của một tên sát nhân.
Ông thám tử người Bỉ tiếp tục có một màn lật tẩy quá cao tay, mặc dù đã có tuổi nhưng đầu óc vẫn vô tình tỉnh táo và tinh anh.
Sau khi đã chứng kiến Poirot trổ tài vài lần thì có một thực tế phũ phàng mình rút ra được, chính xác cả ở trong truyện lẫn ngoài đời, đó là tất cả chúng ta đều nắm giữ những bí mật mà chỉ khi đến phút chót, đến cái thời điểm không thể kìm nén được nữa thì mới có thể thổ lộ ra.
Nhìn chung thì Vụ Ám Sát Ông Roger rất đáng để dành thời gian, trừ khi bạn quá dễ hoảng hốt trước những cuốn tiểu thuyết dày còn không thì chẳng có lý do nào để bạn không mang nó về cả.
Tính đến thời điểm hiện tại, bộ ba tiểu thuyết mình thích nhất của Christie là Mười Người Da Đen Nhỏ, Án Mạng Trên Chuyến Tàu Tốc Hành Phương Đông và Vụ Ám Sát Ông Roger Ackroyd.
Hãy cho mình biết ý kiến xuống bên dưới và đừng quên quay trở lại Viết Gì Đây thường xuyên để cập nhật các review sách và phim chất lượng tiếp theo.