Một tựa phim được xếp vào kinh điển của mọi thời đại, Taxi Driver đi sâu vào việc khai thác nỗi cô đơn và trống trải của một người bước ra từ chiến tranh một cách rất chân thực và hợp lý. Dù đã ra mắt từ 1976, cũng già gần bằng The Godfather thế nhưng ngày nay phim vẫn được khán giả tìm kiếm để thưởng thức.
Được đạo diễn bởi Martin Scorsese, một trong những huyền thoại sống hiếm hoi ở Hollywood hiện tại, người gây ra tranh cãi với phát ngôn liên quan đến Marvel của mình. Một số tựa phim nổi tiếng của ông mà có thể bạn đã xem qua có thể kể đến như Shutter Island hay The Wolf of Wall Street.
Bên cạnh đó, Taxi Driver còn có sự tham gia của hai ngôi sao thuộc hàng bô lão ngày nay, đó là Robert De Niro và Jodie Foster.
Cũng như bao tựa phim chính kịch khác, Tài Xế Taxi không có nhiều đột biến mà chủ yếu xoay quanh những diễn biến trong cuộc sống của nhân vật chính. Thế nên là nếu bạn thích giật gân gấp gáp thì cân nhắc nhé.
Lấy bối cảnh những năm 70 của thế kỷ trước tại Mỹ, thời điểm mà gái điếm, bọn buôn thuốc phiện, du côn hay những cụm rạp chiếu phim người lớn mọc ra nhan nhản khắp nơi. Hẳn cũng không có gì ngạc nhiên khi nhân vật chính của chúng ta cảm thấy bất mãn về cái nơi mà anh ta đang sinh sống.
Travis Bickle là một thủy quân lục chiến trở về từ mặt trận Việt Nam, hiện đang làm tài xế taxi. Anh thường xuyên mất ngủ và chán nản cuộc đời khi mà ngày nào cũng như ngày nào, nhạt nhẽo vô vị. Đó là hậu quả tất yếu khi chuyển từ môi trường súng đạn và xác chết khắp nơi sang chốn đô thị sầm uất yên bình.
Mọi thứ cứ lặp lại như vậy cho đến một ngày nọ, anh ta gặp được cô gái trong mơ của mình: Betsy – người phụ nữ xinh đẹp kiều diễm với mái tóc vàng óng ả. Nàng làm việc ở cơ quan vận động tranh cử cho tổng thống. Travis tìm cách tiếp cận, tán tỉnh và rồi…
Nội dung phim
Về cái kết của phim, có khá nhiều tranh cãi liên quan đến nó và được chia làm hai hướng chính. Thứ nhất là Travis đã chết sau vụ xả súng và việc được báo chí tung hô như một người hùng, rồi thì ánh mắt đầy ngưỡng mộ của Betsy thực ra chỉ là những ảo tưởng cuối đời của anh ta. Mặc dù lập luận này khá thuyết phục bởi kiểu tóc của Travis ở cuối phim nhìn chẳng khác gì lúc anh ta chưa cạo trọc, tuy nhiên nó đã bị chính Martin Scorsese và Robert De Niro lên tiếng phủ nhận.
Hướng lập luận thứ hai chính là Travis vẫn còn sống, vẫn tiếp tục chơi trò anh hùng và hành động chỉnh lại cái gương chỉ đơn giản là anh ta đang nhìn lại bản thân mình mà thôi: cô độc và trầm cảm. Ánh đèn lấp lánh phát ra từ các tấm biển quảng cáo giữa thành phố New York phồn hoa sau đó góp phần củng cố thêm luận điểm này.
Trên thực tế, Travis bị rối loạn tâm thần, một kẻ không còn mục đích sống, lại bất mãn với xã hội bởi trước đó gã tài xế còn có ý định ám sát tổng thống tương lai cơ mà. Nếu để ý một chút bạn sẽ thấy đoạn cuối khá khớp với cảnh vào đầu phim, lúc gã ngồi trong xe và đảo mắt nhìn dòng người qua lại. Vậy nên sẽ thật khó để trả lời câu hỏi Travis Bickle rốt cục là người hùng hay ác nhân. Thiết nghĩ nhân vật này có chút tương đồng với hậu bối là anh lái xe không tên được thủ vai bởi Ryan Gosling trong Drive.
Để làm nên thành công rực rỡ của Taxi Driver, bên cạnh phần nội dung có chiều sâu chính là phần thể hiện xuất sắc của Robert De Niro. Ông lột tả hoàn hảo sự bất thường của nhân vật chính và điều này đã giúp nam tài tử gạo cội nhận được một đề cử Oscar danh giá.
Ngoài ra thì không thể không nhắc đến người bạn đồng hành cùng Robert là Jodie Foster. Mặc dù minh tinh The Silence of The Lamb khi này mới chỉ có 14 tuổi nhưng đã bộc lộ rõ tố chất của một người lên bục nhận giải trong tương lai rồi. Mà phải công nhận Jodie hồi trẻ nhìn “rực” thật.