The Girl With The Dragon Tattoo – tác phẩm điện ảnh được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết ăn khách cùng tên là một trong những bộ phim hình sự giật gân hay nhất từng được biết đến.
Bộ phim này vốn dĩ có tới hai phiên bản : một của Thụy Điển và một của Mỹ. Bài viết này sẽ đề cập tới phần phim do Hollywood sản xuất vào 2011, do David Fincher – người từng cầm trịch những Gone Girl hay Fight Club làm đạo diễn.
Tác phẩm có khá nhiều phân cảnh 18+, à mà có khi phải 21+ mới đúng, thực sự không phù hợp với những người tuổi đời còn quá trẻ và có trí tưởng tượng phong phú. Cân nhắc nếu bạn không thích điều này.
Phim mở đầu bằng cảnh Mikael Blomkvist – một nhà báo tài chính và là đồng sáng lập của tòa soạn Millenium, vừa phải hầu tòa do những cáo buộc sai sự thật về Wennerstrom – trùm tư bản.
Ở một diễn biến khác, Lisbeth Salander – một nữ hacker xỏ khuyên khắp mặt, tóc tai dựng đứng và ăn vận như một nhẫn giả hùng hổ bước vào văn phòng của tập đoàn Vanger, báo cáo về lý lịch của Mikael Blomkvist mà cô đã thu thập được.
Mikael sau đó được Henrik Vanger – ông chủ già nua của tập đoàn Vanger thuê để điều tra về vụ mất tích bí ẩn của cô cháu gái Harriet nhiều năm về trước, trên danh nghĩa là một nhà báo “viết tiểu sử về dòng họ Vanger”. Đổi lại, Henrik sẽ cung cấp cho Mikael những thông tin tuyệt mật về Wennerstrom.
Mikael chuyển tới sống trong khu đất rộng lớn nhà Vanger. Anh bắt đầu quá trình điều tra bằng việc lập một gia phả về dòng họ Vanger đầy phức tạp và rồi đến gõ cửa từng người một.
Theo lời kể của Henrik, vào ngày cô cháu gái ông mất tích ở gần đó có xảy ra một vụ tai nạn. Cảnh sát đã phong tỏa hiện trường nên không thể nào có chuyện Harriet “bốc hơi” mà không bị phát hiện.
Điều bí ẩn gì đã xảy ra ngày hôm đó ? Quan trọng hơn là Cô Gái Có Hình Xăm Rồng đóng vai trò gì trong vụ án lần này ?
Nội dung phim
The Girl With The Dragon Tattoo là một câu chuyện quá hoàn chỉnh, với nhiều mâu thuẫn được phát triển rồi giải quyết một cách gọn gàng. Điều này khiến khó có thể gói gọn nội dung phim trong vài ba dòng.
Có khá nhiều điểm đáng để nói về Cô Gái Có Hình Xăm Rồng, mình sẽ đi lần lượt từng cái một để tránh bị rơi vãi.
Thứ nhất là nội dung, thực sự rất chặt chẽ và tự nhiên. Vì bộ phim vốn dĩ được chuyển thể từ một cuốn tiểu thuyết đình đám nên điều này cũng dễ hiểu.
Diễn biến phim gấp gáp hơn nhiều so với Zodiac, xung đột nổ ra từ đầu đến cuối phim, xuất phát chủ yếu từ đời tư Lisbeth và vụ án mà cô hợp tác cùng Mikael. Với bộ phim này thì mình không suy đoán gì về kẻ sát nhân mà chỉ tận hưởng diễn biến của nó thôi.
Cũng chính vì điều này mà số phận của Harriet khá bất ngờ đối với mình. Kết thúc phim cũng để lại một khoảng trống mênh mông, khi mà “chúng ta chia tay nhau từ đây”. Có thể nhận thấy sự thất vọng trong ánh nhìn của Lisbeth, hoàn toàn đối nghịch hoàn toàn với vẻ ngoài bề ngoài có phần đáng sợ của cô.
Thứ hai là về nhân vật, cả hai nhân vật chính đều được khai thác triệt để, đặc biệt là Cô Gái Xăm Trổ.
Tuy vậy mình có hơi bất ngờ một chút bởi vai trò của Lisbeth Salaner trong câu chuyện, ban đầu mình nghĩ cô phải nắm giữ một bí mật kinh khủng nào đó liên quan đến gia tộc bất hạnh kia. Mà rất tiếc là không phải.
Nhưng dù sao thì Lisbeth là một nhân vật có chiều sâu, những bất hạnh, tủi nhục mà cô đã phải gánh chịu đều được bộc lộ rõ qua từng thước phim. Rooney Mara đã quá xuất sắc từ tạo hình cho đến diễn xuất, mang về cho cô một đề cử Oscar danh giá.
Mình thực sự rất thích màn lột xác của nữ hacker. Trút bỏ vẻ ngoài xù xì gai góc, nàng trở thành một tiểu thư đài các, với mái tóc vàng và gương mặt xinh đẹp đến ngỡ ngàng.
Về phần Daniel Craig, anh vẫn quá lịch lãm và phong độ, dù không còn những pha hành động mang thương hiệu 007 nhưng sức hút với phụ nữ là không hề suy giảm. Cái này chắc chả nói thì bạn cũng biết rồi. Chỉ có điều lần này anh bị ăn hành hơi nhiều, hết treo lên trần nhà rồi lại bị trùm đầu bằng túi ni lông.
Thứ ba là một vài yếu tố nhỏ nhặt khác, phải kể đến đầu tiên chính là nhạc phim đầy mê hoặc. Trong số đó, bản nhạc được sử dụng ngay ở phần intro đầu phim cũng chính là bản nhạc đã rất được yêu thích trong Thor: Ragnarok.
Kế đến chính là hình ảnh. Quả thực màu sắc trong phim rất tối tăm, phản ánh đúng thực tế mà các nhân vật đang phải đối diện: Mikael đứng trước nguy cơ thân bại danh liệt, Lisbeth có một cuộc đời đau khổ và một bí mật tội lỗi đang được che đậy dưới hào quang của dòng họ Vanger.