Các tác phẩm điện ảnh mang đề tài chiến tranh vẫn luôn nhận được sự quan tâm không hề nhẹ từ phía một bộ phận khán giả ham mê tìm hiểu lịch sử, nhất là khi lịch sử qua phim ảnh là một bức tranh sinh động và dễ hình dung hơn hẳn những tiết học nhàm chán trên lớp. The Imitation Game là một bộ phim như vậy, với bối cảnh được sử dụng là thế chiến thứ hai.
Phim xoay quanh cuộc đời đầy thăng trầm của một nhân vật có thật: nhà toán học người Anh Alan Turing. Ông là người đã có công sáng tạo ra chiếc máy giải mã được điện toán Enigma, vốn là một thứ mật mã được Đức Quốc Xã tạo ra để bảo vệ thông tin liên lạc.
The Imitation Game được trình bày dưới hình thức tiến sĩ Alan Turing kể lại cuộc hành trình thời chiến của mình, trong đồn cảnh sát. Vậy nên nội dung phim sẽ được đan xen giữa hai mốc thời gian khác nhau.
Mặc dù là một bộ phim chính kịch với mạch phim khá chậm rãi nhưng nhờ cách sắp xếp các tình tiết đan xen, thêm vào đó là một vài cao trào đã giúp cho phim không bị nhàm chán.
Nội dung phim
Thực tế là ngoài thời điểm Alan Turing bị bắt (tức hiện tại) và thời điểm ông cùng các cộng sự giải mã Enigma thì phim còn đưa vào một mốc thời gian nữa là khi ông còn là một cậu học trò nhỏ.
Alan có một quá khứ mà có lẽ khá nhiều người từng phải trải qua thời đi học : bị bắt nạt. Một cậu bé tội nghiệp, sống khép mình nhưng cực kỳ thông minh. Ông chỉ có duy nhất một người bạn – Christopher, đây cũng chính là cái tên được đặt cho chiếc máy giải Enigma sau này.
Hơn cả một tình bạn, Alan đem lòng yêu Christopher. Đúng vậy, ông là một người đồng tính. Cũng chính điều này đã khiến những ngày tháng cuối cùng của ông trở nên cực kỳ cô đơn và đau khổ.
Alan Turing bị pháp luật thời đó bắt phải tiêm một thứ thuốc để triệt khoái cảm. Điều này vô tình gây ra một vài tác dụng phụ như tay run hay không thể làm việc. Ông tự sát 1 năm sau đó, để lại nhiều cống hiến vĩ đại cho nền toán học hiện đại.
Những diễn biến diễn ra trong phim đều góp phần đẩy cảm xúc người xem lên đến cao trào. Thế nhưng, theo mình tìm hiểu thì Alan Turing ngoài đời có sự khác biệt tương đối lớn so với trên màn ảnh.
Điểm khác biệt lớn nhất nằm ở tính cách của ông. Ở trên phim, ông là một người lập dị, mắc bệnh thiên tài, ít giao tiếp. Nhưng ở ngoài đời, ông chỉ khép mình khi còn nhỏ, khi trưởng thành ông vẫn có những người bạn dù vẫn thích làm việc một mình. Ông còn được đánh giá là hài hước và duy trì mối quan hệ tốt với những người xung quanh.
Thậm chí, cái chết của thiên tài người Anh đến nay vẫn chưa thực sự sáng tỏ. Có người tin rằng ông tự sát, người thì cho rằng đó là một tai nạn, thậm chí còn có thông tin cho rằng ông bị ám sát,… nhưng đến nay mọi thứ vẫn còn là một bí ẩn.
- Xem thêm : The Shawshank Redemption – kẻ đào tẩu vĩ đại
Dù có khá nhiều điểm khác biệt so với thực tế, nhưng cách thể hiện ở trên phim đã góp phần khắc họa nên hình ảnh một thiên tài khổ cực và cô độc.
Benedict Cumberbatch dường như sinh ra để hóa thân vào Alan Turing. Có thể nói The Imitation Game gặt hái được không ít thành công một phần là nhờ màn thể hiện hết sức thuyết phục của anh. Vì điều đó mà “Doctor Strange” đã có được đề cử Oscar đầu tiên trong sự nghiệp diễn xuất của mình.
Bên cạnh đó thì cũng cần phải kể đến người bạn diễn đáng yêu của anh – Keira Knightley. Bạn nào từng theo dõi series Cướp Biển Vùng Caribe thì chắc hẳn là đã biết đến cô nàng xinh xắn này. Lần này thì Keira đã hoàn thành tốt vai trò của mình và nhận được không ít lời khen ngợi.
Mối quan hệ khác thường giữa Alan và Joan là một điểm nhấn lớn của phim. Mặc dù Alan được khắc họa là một người đồng tính nhưng dường như ông có nảy sinh một tình cảm đặc biệt khó diễn tả với Joan.
Bên cạnh cặp đôi vàng thì cũng cần đề cập đến các nhân vật còn lại, tất cả đều tạo được sức hấp dẫn riêng biệt. Nổi bật nhất phải kể đến hai người đồng nghiệp của Alan là Hugh và John.
Ngoài ra thì những yếu tố ngoại cảnh hình ảnh hay âm nhạc đều góp phần tạo nên một bản hòa tấu mang âm hưởng buồn thảm về cuộc đời một tài năng. Đặc biệt là tạo hình máy giải Enigma nhìn cực kỳ bắt mắt.