The Social Network – tác phẩm chính kịch tiểu sử kể về cuộc đời Mark Zuckerberg trong khoảng thời gian anh này sáng lập ra mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook.
Được đạo diễn bởi David Fincher, người nổi danh với hàng loạt tác phẩm ăn khách như Gone Girl, Zodiac hay The Girl with the Dragon Tattoo.
Phim có sự tham gia của Jesse Eisenberg, Andrew Garfield, Rooney Mara và đặc biệt là một nam ca sĩ nổi tiếng thích đóng phim – Justin Timberlake.
The Social Network có lối kể chuyện đan xen hai thời điểm khác nhau: khi Zuckerberg còn là một cậu sinh viên và khi anh ta đã trở thành nhà sáng lập huyền thoại. Vậy nên mặc dù là phim tiểu sử nhưng lại rất cuốn hút.
Phim mở màn bằng khung cảnh tại một quán bar, nơi Mark trổ tài nói chuyện nhạt nhẽo cùng cô bạn gái Erica của mình. Vài phút sau, Erica đòi chia tay.
Ôm hận trở về nhà, vị chủ tịch tương lai làm chai bia rồi bắt đầu cắm mặt vào máy tính, gõ những dòng code đầu tiên. Ý tưởng là tạo dựng một website có profile của tất cả các em gái ở Harvard và người dùng có thể để lại đánh giá. Chưa phải là Facebook, nhưng cũng đủ để Mark nổi tiếng khắp trường.
Trong một diễn biến khác, ngài Zuckerberg đang bị kẹt giữa hai vụ kiện. Một là từ phía Eduardo Saverin – người bạn thân thời đại học và cũng chính là cổ đông lớn thứ hai của Facebook sau này; phía còn lại là từ 3 cậu sinh viên từng học cùng trường, tố Mark ăn cắp ý tưởng của mình.
Theo dòng diễn biến phim, từng bí mật trong quá trình hình thành đế chế tỷ đô dần được lật mở.
Nội dung phim
Ấn tượng đầu tiên và cũng chính là điều đã làm mình muốn xem cái phim này chính là tấm poster với dòng chữ “You don’t get to 500 million friends without making a few enemies”, tạm dịch “Bạn không thể có 500 triệu bạn bè mà không tạo ra một vài kẻ thù”. Tất nhiên, cái gì chả có cái giá của nó.
Ban đầu mình xem phim trong tâm thế Mark là một thằng khốn đã đá đít các cộng sự của mình ra khỏi công ty. Vậy mà mọi chuyện đã đảo ngược hoàn toàn chỉ sau khoảng một nửa thời lượng phim: anh ta…vẫn là một thằng khốn. Tuy nhiên, sự khốn nạn này đi kèm theo nhiều lý do thuyết phục.
Saverin góp tiền và mối quan hệ nên 30% cũng khá xứng đáng đấy chứ, dù rằng về sau nó đã cắt không còn một giọt máu. Hội Cameron, Tyler và Divya thì đưa ra được mỗi cái ý tưởng còn gần như toàn bộ phần việc còn lại đều qua tay vị chủ tịch trẻ tuổi. Có chăng là 3 ông kia hơi đen do không thống nhất với nhau ngay từ đầu mà đã tiết lộ hết bài vở rồi.
Bài học kinh doanh ở đây là nếu có ý tưởng tốt thì cứ lẳng lặng mà làm, còn nếu muốn có thêm cộng sự thì nhớ phân chia vai vế cho rõ ràng không sau này huynh đệ lại tương tàn.
Bản thân Mark trong khoảng thời gian đầu vẫn nhặt nhạnh nguồn cảm hứng từ khắp nơi. Còn nhớ phân đoạn anh đang ngồi làm việc ở phòng máy trong trường thì đã chạy vội về nhà để bổ sung thêm những thông tin liên quan, đó là tình trạng quan hệ, sở thích, nền tảng của Facebook sau này. Như vậy là phần cốt lõi thì đã qua tay ông chủ của nó rồi.
Trong khi Mark cặm cụi làm việc thì Eduardo vẫn còn đang tính đến chuyện cưa gái và kiếm tiền. Anh em nhà Winklevoss thì thảm họa hơn rất nhiều: tập luyện cho giải đua thuyền.
Mấy ông lâu nhâu bên ngoài thì không nói làm gì, còn mối quan hệ giữa hai người bạn thân chỉ bắt đầu xấu đi khi Eduardo tập trung vào cái lợi trước mắt, đó là đặt quảng cáo lên trang web. Trong khi đó Mark lại muốn Facebook trở thành một cái gì đó vĩ đại hơn khi quyết định sẽ gọi vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm và không đặt bất kỳ cái banner nào, đặc biệt là sau cuộc gặp với Justin…à nhầm, Sean Parker.
Mark có tham vọng và hoài bão lớn, nếu không muốn nói là máu lạnh. Còn Eduardo thì thận trọng và an toàn hơn. Anh không ngại ngần đóng băng tài khoản ngân hàng ngay lập tức khi phát hiện ra một thằng lông bông nào đó đang ung dung sống trong nhà và tiêu tiền của mình.
Việc Saverin bị lừa rút gần hết cổ phần cũng là bởi anh đã cho thấy rõ sự cản trở của mình trong nội bộ tập đoàn. Nếu như Mark, Dustin, Sean Parker và Peter Thiel đều muốn bứt tốc thì chỉ có Eduardo là từ tốn chậm rãi với lối tư duy có phần cũ kỹ.
Đó là một hành động tàn nhẫn, nhất là khi người kia lại là bạn thân. Một khung cảnh cực kỳ trái ngược đã diễn ra: Saverin ra về trong cay đắng, Zuckerberg cùng các cộng sự ăn mừng sau khi đạt 1 triệu thành viên. Nhưng dù vậy, nhờ có sự tham vọng của Zuckerberg mà chúng ta mới được chứng kiến một Facebook hùng mạnh như ngày hôm nay.
Trong câu chuyện này, vẫn còn một nhân vật cực kỳ đáng chú ý nữa: Sean Parker – thằng cha thích bơm đểu và cực kỳ thức thời khi đã khai quật được vị chủ tịch đầy tiềm năng. Đáng tiếc là trong lúc đang tranh cãi với Mark, Eduardo đã không đấm một phát vào mặt thanh niên này.
Sean lãnh hậu quả ngay sau đó khi bị cảnh sát phát hiện tàng trữ cocain. Mặc dù chính Zuckerberg xác nhận là Sean vẫn còn ôm 7% nhưng với câu nói “về nhà đi” thì khả năng là thanh niên này cũng đã bị trục xuất.
Câu chuyện kết thúc bằng việc Mark mất đi người bạn thân nhất, ngồi “add friend” bạn gái cũ bằng chính cái mạng xã hội do mình tạo ra.
Sự cô đơn là yếu tố đi kèm với bất kỳ thành công nào.
Về phần diễn viên, dường như Jesse Eisenberg sinh ra để hóa thân vào vị tỷ phú công nghệ đình đám vậy. Cả Mark thật và Mark trong phim đều có gương mặt giống nhau đến khó tin, lại thêm quả tóc xoăn không thể lẫn vào đâu được. Cùng với đó, nhờ vào sự hoạt ngôn như một rapper thực thụ mà Jesse vào vai cực kỳ ngon lành.
Eduardo Saverin thì lại khác hoàn toàn. Vẻ ngoài đẹp trai phong độ của Andrew Garfield trong bộ vest lịch lãm đã nâng tầm nhân vật này lên rất nhiều. Không tin bạn cứ google thử thì biết.
Khi viết đến đoạn này, tác giả bài viết mới chợt nhận ra cả hai nhà đồng sáng lập của Facebook đều đã nhiễm “cơn sốt vàng”.
Ở ngoài đời thì sau khi bị hất cẳng khỏi Facebook, Eduardo đã lạc trôi sang tận Singapore và sau một khoảng thời gian thì anh này cũng từ bỏ luôn quốc tịch Mỹ. Mặc dù chỉ còn nắm giữ vỏn vẹn 2% cổ phần của tập đoàn F nhưng nhiêu đó cũng đã là quá thừa thãi để anh có được một cuộc sống xa xỉ.
Bên cạnh Eduardo thì Mark còn hai người bạn cùng phòng nữa là Chris Hughes và Dustin Moskovitz, cũng chính là hai nhà đồng sáng lập còn lại. Hai ông này hiện tại cũng rất thành công trong lĩnh vực của mình, Dustin vẫn còn giữ 6% cổ phần.
Còn hội ba thanh niên kia thích chia chác kia thì mình chịu.
Nhận xét về tổng thể, The Social Network là một bộ phim tiểu sử hiếm hoi sở hữu kịch bản hấp dẫn đến vậy. Ngoại trừ việc anh Mark bắn rap hơi nhanh không đuổi kịp sub còn đâu mọi thứ đều rất tuyệt.
Đã vậy, phim lại còn xoay quanh những con người còn đang sống và làm việc ở thời đại này nên tạo cảm giác hưng phấn hơn rất nhiều so với mấy phim từ thời xửa thời xưa.