Bạn hãy quên các bối cảnh sinh tồn quen thuộc như hoang đảo, biển cả, thành phố chết hay thậm chí là một hành tinh xa lạ nào đó đi bởi với The Terminal, nhân vật chính của chúng ta sẽ phải sống sót tại một sân bay – nơi tấp nập người qua lại mỗi ngày.
Ai nấy đều bận rộn với công việc thường ngày, với những lo toan và suy nghĩ của bản thân. Chẳng ai hơi sức đâu mà để tâm đến những thứ xung quanh mình.
Phim là sự kết hợp ăn ý của hai huyền thoại Hollywood – Tom Hanks và đạo diễn Steven Spielberg. Hai người từng hợp tác với nhau trong Saving Private Ryan và Catch Me If You Can.
Viktor Navorski – công dân của một quốc gia giả tưởng có tên Krakozhia, vừa đáp xuống một sân bay tại Hoa Kỳ. Chưa kịp tận hưởng bầu không khí của quốc gia đáng mơ ước nhất hành tinh thì Viktor đã nhận hung tin: quê hương của người đàn ông bất ngờ xảy ra bạo loạn, chính phủ bị lật đổ, kéo theo đó là hộ chiếu của anh trở thành vô giá…trị.
Kỳ diệu là ở chỗ, chỉ khi Viktor lên máy bay rồi và đang trên đường sang Mỹ thì mới xảy ra cơ sự này. Kết quả là anh bị kẹt vào một tình huống nghìn năm có một: không thể trở về nhà, cũng không được đặt chân vào nước Mỹ.
Viktor bất đắc dĩ trở thành một kẻ vô gia cư và phải sống vạ vật ở sân bay nơi đất khách quê người, với vốn tiếng Anh chỉ là con số không tròn trĩnh. Mọi kỹ năng sinh tồn giờ đây phải được vận dụng một cách triệt để để không bị chết đói giữa nền văn minh.
Đã vậy, gã quản lý sân bay – Frank Dixon còn muốn đưa người đàn ông phiền phức kia ra ngoài, bằng cách “tạo cơ hội” cho anh ta đào tẩu. Khi nhận ra Viktor vẫn rất chày cối với quyết tâm không vi phạm pháp luật và tiếp tục chờ đợi, Dixon liên tục gây khó dễ cho anh.
Liệu Viktor có thể tìm ra con đường sống để rồi trở về quê hương?
Nội dung phim
Một ý tưởng thật sự độc đáo, bởi thứ sẽ giết chết nhân vật chính không phải là cơn đói cồn cào, dịch bệnh hoành hành hay thảm họa tự nhiên mà là sự thờ ơ của đồng loại.
Bài học lớn nhất mà khán giả có thể rút ra từ bộ phim là: luôn cư xử tử tế với những người xung quanh, từ một anh nhân viên sân bay bình thường cho đến một ông bác lao công bởi biết đâu đó chính là vị cứu tinh của đời bạn. Người hùng có thể là bất kỳ ai.
The Terminal tiếp tục là một sản phẩm chất lừ của Tom Hanks, từ biểu cảm ngô nghê cho đến cách nói thứ ngôn ngữ đến từ một văn minh xa lạ đều không chê vào đâu được. Có vẻ như chủ nhân hai tượng vàng rất hay gặp rắc rối với những chuyến bay, một lần thì hạ cánh an toàn xuống biển, lần còn lại thì bị delay 9 tháng.
Tuy nhiên khác với Cast Away, lần này Tom không phải học cách đánh lửa, bắt cua hay lột vỏ dừa mà thay vào đó, những gì ông cần làm là kết nối với những người xung quanh. Và mọi chuyện đã diễn ra khá suôn sẻ với người đàn ông tốt bụng.
Điều này vô tình làm mình liên tưởng tới Forrest Gump. Dường như Tom Hanks sinh ra để hóa thân vào các nhân vật kiểu như vậy.
Bên cạnh những điểm nổi trội thì The Terminal vẫn còn tồn tại hai vấn đề. Thứ nhất là “câu chuyện tình” dang dở giữa Viktor và Amelia, điều mà đáng lẽ ra phải được phát triển thêm. Họ nên làm một điều gì đó ý nghĩa hơn thay vì chỉ nở một nụ cười rồi lướt qua nhau như hai người xa lạ.
Và điều thứ hai là cái kết của phim để lại một cảm giác rất khó tả. Người đàn ông Krakozhia đã vượt qua bao sóng gió để lấy được một chữ ký và rồi lại trở về nhà, vô tình tạo nên một tình huống khó xử: Viktor sẽ quay lại sân bay, nơi mà đoàn người vừa mới tạm biệt và chúc anh thượng lộ bình an chỉ vài giờ đồng hồ trước.
Đó là một chút cảm nhận của mình về The Terminal – một bộ phim hài rất ý nghĩa về cuộc sống quanh ta.