Bên cạnh Mắt Biếc và Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ thì Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh là cuốn sách nổi tiếng nhất của Nguyễn Nhật Ánh, bày ra trước mắt độc giả một khung cảnh trong lành của tuổi thơ.
Tác phẩm này là tập hợp những gì tinh túy nhất của cây bút lão làng: lối kể truyện theo ngôi thứ nhất đậm chất tự sự, giọng văn trôi chảy hài hước và luôn biết dừng đúng thời điểm để tạo tiếng cười, cùng với đó là câu chuyện về một thời hồn nhiên với nhiều tình tiết bất ngờ thú vị.
Bố cục hài hòa, độ dài ở mức tương đối nên không tạo cảm giác vừa mở ra đã phải gập lại như Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ hay Tôi Là Bêtô. Màu sắc truyện tươi sáng, có những biến cố xảy ra nhưng không nặng nề day dứt như Mắt Biếc. Nhìn chung thì không có lý do nào để không đọc quyển này cả, dù bạn đã thưởng thức qua phiên bản phim hay chưa.
Nhân vật chính của truyện – Thiều, vẫn là hình tượng nam chính kinh điển trong truyện Nguyễn Nhật Ánh: nghịch ngợm, cứng đầu, nhưng khi đứng trước gái thì mềm như bún. Thêm vào đó, Thiều tuy thân làm anh nhưng lại mang trong mình tính cách của một thằng em.
Ở một chiều hướng ngược lại, Tường – em trai Thiều, người bạn đồng hành luôn ra sức che chở vỗ về ông anh ẩm ương của mình, mặc cho những trò tai quái của Thiều luôn đưa nó vào thế khó. Tường quả thực là một trong những nhân vật đáng mến nhất từng được đưa vào trang sách của nhà văn đến từ làng Đo Đo.
Dưới giọng kể vui nhộn láu cá nhưng cũng không kém phần tâm trạng của một đứa trẻ lớp 7, thế giới tuổi thơ xanh ngát cùng những cuộc phiêu lưu bất tận dần mở ra.
Cơ bản thì chỉ có vậy, Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh vốn đã quá thành công nên cũng chẳng cần giới thiệu nhiều. Bên dưới đây mình sẽ bàn thêm chút về nội dung và cái kết, vậy nên bạn cân nhắc trước khi đọc tiếp nhé.
Chi tiết sách
Không yêu đương khắc khoải, không mệt mỏi vì cuộc đời, mọi thứ đều xảy đến một cách tự nhiên và tan biến trong tự do. Có lẽ đây là cuốn sách ngẫu hứng nhất của Nguyễn Nhật Ánh, khi mà ông không tạo ra nhiều biến cố khó nhằn trong mạch truyện như Ngồi Khóc Trên Cây hay Ngày Xưa Có Một Chuyện Tình.
Thay vào đó, nhà văn triển khai cuốn sách này dưới dạng nhiều mẩu truyện nhỏ, giải quyết tình huống tương đối đơn giản rồi ráp nối chúng lại nên ông khá thoải mái trong cách thức khép lại câu chuyện. Theo mình thấy thì đây là một kết thúc đẹp, nhẹ nhàng và bình yên như chính những gì tác giả đã vun đắp trước đó.
Dũng cảm và nghĩa hiệp, Tường lại một lần nữa tỏa sáng như một vị anh hùng cứu thế. Mặc dù mình chưa xem phim nhưng tưởng tượng ra thôi cũng đủ thấy xúc động, thêm chút nhạc là hoàn toàn có thể lấy được nước mắt khán giả.
Hai đứa trẻ, đều đang gặp vấn đề với cuộc sống lại có thể giúp nhau thoát khỏi nghịch cảnh theo cái cách ít ai ngờ tới nhất. Thiều chân đi tập tễnh nhưng khi trông thấy người bạn nhỏ năm nào của mình bị bắt nạt lại có thể chạy như bay. Nhi khi trông thấy cảnh tượng năm nào được tái hiện lại có thể nhớ ra mọi chuyện.
Vậy còn những nhân vật còn lại? Số phận của họ đều được để ngỏ nhưng bằng niềm hy vọng, mọi thứ rồi sẽ ổn thôi, kể cả người đã kể lại câu chuyện này – Thiều. Với những gì được thể hiện ở cuối truyện, cậu nhóc cũng đã làm tròn bổn phận của một ông anh và có lẽ sẽ bớt cho thằng em ăn hành hơn.