Chaos Theory là một con phim hay ho của Ryan Reynolds nhưng chẳng mấy ai biết đến, xoay quanh thuyết hỗn mang, một lý thuyết khoa học cho rằng mọi thứ sẽ chẳng bao giờ đúng quỹ đạo, dù bạn có cố gắng sắp xếp ra sao đi nữa. Tuy vậy, tác phẩm lại khai thác theo hướng hài hước chứ không phải kiểu khoa học viễn tưởng nghiêm túc như The Butterfly Effect.
Về cơ bản thì phim này thiên về tính giải trí, đáng để thử nếu bạn không đặt nặng tiểu tiết trong cốt truyện. Đại khái là thế.
Phim xoay quanh nhân vật chính Frank Allen, một diễn giả về quản lý thời gian và lập kế hoạch cuộc đời. Đối với anh, việc sắp xếp mọi sự kiện trong cuộc sống không chỉ đơn thuần là thói quen, đó đã trở thành một nỗi ám ảnh. Hai thứ luôn phải có đối với Frank là tập giấy nhớ và cái bút.
Bên cạnh công việc yêu thích, Frank có một gia đình hạnh phúc cùng vợ Susan và con gái Jesse.
Nhiều năm trôi qua, mọi đường đi nước bước đều quy củ và đúng lộ trình như vậy cho đến một ngày nọ, một chuỗi liên tiếp những sự cố xảy ra đã phá vỡ tất cả.
Nội dung phim
Về cơ bản thì phim sở hữu một ý tưởng thú vị, cách truyền tải vui vẻ hài hước, xả stress tốt khi chứng kiến Deadpool bị ăn hành, mà lại còn là hành về tinh thần chứ không phải thể chất vì dù sao thì cái đấy anh vô đối sẵn rồi.
Vấn đề lớn nhất của bộ phim này nằm ở cái kết của nó. Frank phải hứng chịu ba bi kịch lớn liên tiếp: bị vô sinh bẩm sinh, vậy thì đương nhiên con không phải của mình, và chốt hạ lại thì là con của…thằng bạn thân.
Với một người bình thường thì chỉ riêng cái đầu tiên đã khó chấp nhận, huống hồ… đủ hết cả ba thì chắc sang chấn tâm lý luôn. Vậy mà Frank lại chỉ nổi giận được chốc lát, rồi vô tư đón nhận nó. Đoạn này giải quyết quá chóng vánh thành ra thiếu thuyết phục, nếu có thể kéo giãn ra để khổ chủ có thời gian thích nghi và tha thứ thì chắc chắn phim sẽ được đánh giá cao hơn.
Bên cạnh phần nội dung thì phim cũng để lại một chút ý nghĩa đối với những ai đang sống quá ngăn nắp và cẩn thận. Hãy thử phá vỡ nguyên tắc một chút để tận hưởng phần thú vị của cuộc sống.
Nhìn chung thì Chaos Theory là một ẩn số thú vị trong sự nghiệp điện ảnh của Ryan Reynolds, bên cạnh một vài cái tên cũng ít được biết đến như Buried, Definitely Maybe hay The Voices.