Bạn sẽ hiểu vì sao The Shawshank Redemption lại được đánh giá cao đến vậy sau khi bạn trải nghiệm nó. Ban đầu mình khá tò mò khi bộ phim này nhận được quá nhiều lời ca tụng, mà thực tế thì không phải cái gì được khen cũng hay.
Sau khi dành ra 2 tiếng rưỡi ngồi cày The Shawshank Redemption thì mình xin xác nhận rằng nó hoàn toàn không uổng số thời gian mà bạn phải bỏ ra. Tất nhiên là mỗi người sẽ có một cảm nhận riêng nhưng mình tin rằng bộ phim này có thể thỏa mãn được đa số khán giả.
Theo mình thấy thì diễn biến phim diễn ra rất vừa phải, có chừng mực, không bị dài dòng và quan trọng là giữ vững được nhịp độ để khiến người xem bị cuốn theo. Đoạn đầu có hơi chậm rãi một chút nhưng chỉ trong vài phút ngắn.
Cách kể chuyện theo dạng tự sự của phim làm mình thấy hào hứng, nó khiến cho người xem cảm thấy như đang được nghe trực tiếp câu chuyện từ nhân vật, vậy nên cảm xúc cũng sẽ chân thật hơn. Một vài bộ phim cũng có lối kể chuyện tương tự là Fight Club, American Psycho, The Curious Case of Benjamin Button, Forrest Gump,…
Nhân vật chính do hai tên tuổi gạo cội là Tim Robbins và Morgan Freeman thủ vai. Hai gương mặt này từng tham gia rất nhiều phim điện ảnh và gặt hái được không ít thành công trong suốt sự nghiệp của họ.
The Shawshank Redemption được kể bởi Red (Morgan Freeman), một từ nhân lâu năm đồng thời là một tay buôn hàng lậu từ bên ngoài vào. Câu chuyện diễn ra xoay quanh người bạn tù của Red.
Andy Dufresne (Tim Robbins) – phó giám đốc của một ngân hàng bị kết tội giết vợ mình và tình nhân của cô ta. Hai cái án chung thân bất ngờ giáng xuống đầu Andy, với nhà tù Shawshank khét tiếng là mồ chôn. Điều trớ trêu là Andy luôn nói rằng anh vô tội.
Lần đầu nhìn thấy Andy, Red đã cược rằng anh sẽ là kẻ khóc lóc trong đêm đầu tiên tại nhà giam
“Đêm đầu tiên trong ngục, Dufresne đã làm tôi mất hai bao thuốc”
Nhà tù Shawshank bộc lộ rõ sự tàn bạo của nó từ những giây phút đầu tiên : gã quản ngục cao lớn Hadley đánh chết một tù nhân sau khi anh ta than khóc và liên tục nói rằng mình bị oan.
Cuộc sống tù tội không bao giờ là dễ dàng, nhất là với một người có học thức cùng một cuộc sống đàng hoàng trước đó như Andy. Anh dần phải làm quen với hàng tá các thể loại người ở một nơi biệt lập với thế giới bên ngoài.
“Cũng phải đến một tháng thì anh ta mới mở miệng nói một hai từ với ai đó. Cuối cùng, ai đó lại chính là tôi”
Andy bắt đầu bị “tẩn” vài lần bởi những thằng đại ca. Mấy thanh niên này có lẽ do đã ở tù quá lâu đâm ra “bấn” và muốn tìm chỗ giải quyết.
“Anh ta không bao giờ nói ai đã đánh anh ta, nhưng chúng tôi đều biết”
Cho đến một ngày Andy nghe được vấn đề tiền nong của tay quản ngục. Với hiểu biết của một người làm ngân hàng, Andy nhận ra thời cơ của mình đã đến. Andy đánh cược mạng sống của mình để thương lượng, và anh đã thành công.
Lần cuối cùng Andy bị ăn đòn nhừ tử cũng là lúc mà thằng đánh anh phải lãnh hậu quả, đó là sống hết phần đời còn lại trên cái xe lăn.
“Hai chuyện không bao giờ xảy ra sau đó là : bọn đại ca không bao giờ đụng đến Andy nữa và Bogs thì không còn đi được nữa”
Cuộc sống trong tù của Andy giờ đây đã tươi sáng hơn đôi chút. Những điều đang chờ đón Andy trong tương lai mình xin nhường phần khám phá lại cho bạn.
Chi tiết phim
Đọc xuống đến đây thì mình đoán chắc bạn vừa được chứng kiến một cuộc đào tẩu ngoạn mục và có được những giây phút vui lây cùng nhân vật.
Trong số các bộ phim điện ảnh được xây dựng theo kiểu sinh tồn mà mình từng xem thì ngoài anh bạn Chuck Nolan trong Cast Away, có lẽ Andy Dufresne là nhân vật thông minh nhất.
Đến nỗi mà sau khi xem xong The Shawshank Redemption, mình đã phải thốt lên rằng có lẽ Andy là một Khổng Minh phiên bản tù đày.
Từ những ngày tháng khó khăn đầu tiên : một nơi xa lạ, bị đàn áp bởi mấy thằng bệnh hoạn, cai ngục thì không khác gì đồ tể,… Andy dần gây dựng được một vị thế vững chắc ở Shawshank. Ban đầu là giúp đỡ cai ngục Hadley, về sau anh lo thủ tục giấy tờ phi pháp cho Norton – quản lý nhà tù.
Đáng nể hơn nữa là kế hoạch đào một cái lỗ xuyên qua tường, rồi sau đó là đi qua đường cống ngầm để ra thế giới bên ngoài đã được Andy vạch sẵn từ lâu.
Ngay từ khi phát hiện tường trong phòng giam khá giòn, với chiếc búa nhỏ xinh được giấu trong cuốn sách, Andy đã tạo nên một cái lỗ to tổ chảng mà ngay cả Red cũng phải há hốc mồm khi nhìn thấy.
“Tôi nghĩ phải mất đến 600 năm để đào thì mới đào được đường hầm xuyên tường như thế. Nhưng Andy già chỉ mất có 20 năm”
Việc anh chơi khăm Norton và đi rút toàn bộ số tiền dưới một danh nghĩa khác, rồi gửi những giấy tờ tham ô của ông ta cho cảnh sát càng làm cho kế hoạch trở nên hoàn hảo hơn và khiến người xem vô cùng thích thú.
Phải công nhận ông này liều thật : cái búa đặt trong cuốn sách, lỗ đục tường chỉ được che chắn bởi một tấm ảnh, thậm chí hành động đánh tráo giấy tờ cũng được anh thực hiện ngay sau lưng Norton,… những điều này mà bị Norton phát giác thì kết cục dành cho Andy có lẽ sẽ còn thảm hơn cái gã từng đánh anh.
Một điều nữa khiến Andy trở nên thật đặc biệt, đó chính là ý chí sắt đá của anh : ròng rã 20 năm không nghỉ ngơi, dù đã nhiều lần bị Norton ra sức bẻ gãy ý chí nhưng điều đó không làm anh nản lòng.
Như một lời khẳng định rằng tường có thể thủng, ống cống có thể vỡ nhưng khát vọng sống của người đàn ông này sẽ không bao giờ đổi thay.
Một sự thật khá thú vị mà có lẽ bạn chưa nhận ra, đó là tất cả những kẻ từng hành hạ Andy đều không hiểu vì sao bọn họ phải nhận kết cục như vậy.
Nhân vật chính thứ hai – Red. Dù vai trò của ông phần lớn chỉ là tường thuật lại câu chuyện của Andy nhưng ông cũng để lại những dấu ấn nhất định.
Nhờ giọng kể hóm hỉnh, gần gũi của Red mà bức tranh về cuộc sống ở Shawshank bớt tăm tối hơn. Nó cũng góp phần làm giúp cho những khán giả dễ mất tập trung như mình không bị ngủ gật trong lúc xem phim.
Có một chi tiết rất thú vị về Red, đó là ông từng 3 lần bị gọi lên phòng xem xét ân xá. Lần một, lần hai, ông mang một thái độ hồ hởi, đem hết sự chân thành ra để chứng tỏ rằng bản thân đã thay đổi cho các “ông lớn” thấy. Thế nhưng kết quả nhận được lại chỉ là nỗi thất vọng, với một con dấu “rejected” (từ chối) đỏ lòm.
Lần thứ ba, diễn ra sau khi Andy vượt ngục một thời gian. Lần này Red bước vào phòng trong một tâm thế điềm tĩnh lạ thường, như thể đã biết trước rằng đám tai to mặt lớn kia sẽ giam ông ở Shawshank đến rục xương. Những câu hỏi trịnh trọng của bọn họ đều bị ông phản bác lại bằng sự khinh khỉnh.
Như một điều gì đó không hẹn trước, Red được đặc xá. Một thời gian sau khi ra tù, Red bắt đầu có cảm giác khó chịu, không còn là chính mình. Ý nghĩ về việc quay trở lại nhà giam từng thoáng qua trong đầu Red, nhưng may mắn là lời hứa với Andy đã giữ ông lại.
Nhân vật cuối cùng mà thấy cần nhắc đến, đó là Norton. Một kẻ thâm độc, xảo quyệt, tham lam,… đầy tội lỗi, nhưng lại rất thích đọc kinh thánh (???) Ông bác này đại diện cho một tầng lớp nhìn kiểu cách ăn mặc, đầu tóc, câu từ, cử chỉ đều có vẻ rất văn vở nhưng bản chất thì bốc mùi kinh khủng.
Cùng với cảm nhận chung về các nhân vật, tình bạn giữa Andy và Red cũng cần được nhắc đến. Ở một nơi mà con người ta không biết đến ngày mai, chỉ có bạo lực và khuôn phép, việc một tình bạn được nhen nhóm lên là một thứ quý giá.
“Tôi mong mình có thể đi qua biên giới, tôi mong chờ được gặp bạn tôi và bắt tay anh ta”
Chính Andy đã nghĩ đến việc Red sau khi ra tù rất có thể sẽ cảm thấy buồn chán và muốn quay lại Shawshank. Sự thật là quãng thời gian Red ngồi tù đã gấp đôi Andy : tận 40 năm, nên việc Red bị “thể chế hóa” cũng là dễ hiểu.
Do vậy Andy đã sắp xếp câu chuyện về một món đồ “bí mật”, thực chất chính là lá thư và nhờ Red đi tìm nó. Andy là người giúp Red lấy lại “hy vọng”.
Những bài học bổ ích là thứ mà ta có thể rút ra được từ bộ phim này, điều đầu tiên mà có lẽ ai cũng thấy được đó là : hiểu biết không bao giờ là thừa, rất có thể cái mớ kiến thức lộn xộn của bạn sẽ cứu sống bạn một ngày nào đó, ai mà biết được nhỉ.
Điều thứ hai là luôn hy vọng, cho dù phía trước có tăm tối đến đâu. Dù cho điều này cũng có tác dụng phụ là có thể khiến con người ta lạc quan thái quá, nhưng nó cũng cho chúng ta thêm sức mạnh để bước tiếp.
Chính vì điều này mà phân cảnh Andy bật nhạc cho cả nhà tù nghe đã đi vào lịch sử. Anh không chỉ muốn bản thân được tự do mà còn đem lại hy vọng cho những người khác.
Đoạn này cũng cho thấy một Andy cực kỳ lì lợm và cứng đầu : Norton, Hadley và cả đám cai ngục đang đập cửa ầm ầm nhưng anh vẫn thản nhiên gác chân lên bàn, tựa lưng vào ghế và…vặn to hơn.
Điều thứ ba là phải biết kìm nén, nhẫn nhục chờ thời cơ. Đây là một đức tính quan trọng, vô cùng thực tế dù có ở thời đại nào đi chăng nữa.
Thế nhưng nhẫn nhục không đồng nghĩa với van xin hay luồn cúi, bạn có thể thấy thái độ của nhân vật Andy trước những “ông lớn” như Norton hay Hadley, dù anh có nhún nhường nhưng không hề biểu lộ sự thấp kém. Thậm chí từng bị bọn đại ca đánh đến nỗi phải nhập viện nhưng Andy chưa bao giờ khuất phục.
Điều thứ tư là phải biết kết nối với những người khác. Sự thật là kết hoạch vĩ đại của Andy không thể nào thành công nếu không có những món “đồ chơi” của Red.
Bạn cũng có thể thấy ban đầu dù lầm lì, ít nói nhưng sau này Andy đã bắt đầu kết giao bạn bè. Xuất phát điểm là một lính mới, anh chàng tạo dựng được một chỗ đứng vững chắc ở Shawshank.
Đó là cảm nhận chung về các nhân vật và những ý nghĩa, bài học từ phim mà mình đoán mò ra. Thế nhưng, để làm nên một tượng đài như The Shawshank Redemption còn cần một vài nhân tố nữa.
Kịch bản xoay quanh một người vượt ngục hiện nay đã khá phổ biến, nhưng ở năm 1994 thì có lẽ vẫn còn mới mẻ.
Ở khía cạnh diễn biến phim, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy buồn ngủ nếu đang quen với thể loại giật gân hay hành động máu lửa.
Còn đối với cá nhân mình thì mạch phim diễn ra rất vừa phải để có thể hiểu và cảm nhận những gì đang diễn ra. Kết hợp với giọng kể theo kiểu tâm sự của nhân vật Red càng khiến phim dễ đi vào lòng người hơn.
Diễn xuất của đôi bạn già Tim Robbins và Morgan Freeman rất thuyết phục. Với tài năng của mình, họ dễ dàng giành được thiện cảm từ người xem.
Âm nhạc và hình ảnh cũng góp phần tạo nên một Nhà tù Shawshank ảm đạm và tăm tối. Mình không biết bản nhạc mà Andy bật có ý nghĩa gì nhưng thực sự nghe mà thấy nổi hết cả da gà.
Điều cuối cùng mình đề cập tới đây chắc hẳn bạn cũng đã thấy rõ trong phim, đó là những câu thoại. Mình đoán có lẽ Red là nhân vật để lại nhiều câu thoại đáng nhớ nhất trên màn ảnh
Andy Dufresne, người đã bò qua một cái cống toàn phân, nhưng ra ngoài thì trở nên trong sạch
Khoảnh khắc Andy Dufresne bò ra khỏi ống cống, lột áo và nở nụ cười rạng rỡ dưới trời mưa đã trở thành một biểu tượng của lòng can đảm, tính nhẫn nại và niềm hy vọng không thể bị dập tắt.